Đình Bá Dương thuộc làng Bá Dương, xã Hồng Hà, huyện Đan Phương, ngoại thành Hà Nội, đã được Bộ Văn hoá xếp hạng theo Quyết định số 993VH/QĐ ngày 28/9/1990. Xa xưa, di tích còn có tên gọi là đình Bá Giang, miếu Bá Giang hay miếu thờ tướng quân Nguyễn Cả.

Xã Hồng Hà nằm ở phía bắc huyện Đan Phượng, nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía đông bắc giáp huyện Mê Linh, phía đông giáp xã Liên Hồng, phía Tây giáp xã Trung Châu, phía nam giáp xã Hạ Mỗ. Thời Hậu Lê đến đầu thế kỷ 19, Hồng Hà thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Dưới thời nhà Nguyễn, xã Hồng Hà thuộc tổng Thượng Trì, tỉnh Hà Đông. Trong thời kỳ kháng chiến thực dân Pháp, có tên xã Hồng Thái, huyện Liên Bắc, tỉnh Hà Đông. Sau hoà bình lập lại (từ năm 1954 đến năm 1975), xã Hồng Hà thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1975 đến 1979 thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, từ 1979 đến 1991 thuộc thành phố Hà Nội, từ 1991 đến tháng 7/2008 thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội.

Hồng Hà vốn là một vùng đất cổ ven dòng sông Nhị Hà xưa. Căn cứ các tài liệu nghiên cứu và hiện vật khảo cổ được phát hiện thì Hồng Hà có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Thông qua các di tích tôn, giáo tín ngưỡng và các truyền thuyết dân gian thì khu vực này là nơi tụ cư của người Việt cổ dưới thời các vua Hùng dựng nước cho tới ngày nay. Với bề dày lịch sử ấy, mảnh đất nơi đây đã ghi lại đậm nét truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ làng, giữ nước và xây dựng cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Hồng Hà chính là quê hương của tướng quân Nguyễn Cả, một danh tướng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên triều đại nhà Đinh ở thế kỷ thứ X. Ông được các triều đại phong kiến về sau sắc phong Thượng đẳng thần, được nhân dân dựng miếu thờ và suy tôn làm thành hoàng.

Từ thời Lê đến thời Nguyễn, Bá Dương thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, thời Nguyễn trước năm 1945, Bá Dương thuộc tổng Thượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng tháng 8, qua nhiều lần sáp nhập, thay đổi địa danh hành chính, từ tháng 8-2008, Bá Dương thuộc huyện Đan Phương, ngoại thành Hà Nội.

Bá Dương - Kẻ Bá là vùng đất cổ ven sông Nhị, vùng đất còn in đậm nét về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta qua hàng ngàn năm lịch sử. Căn cứ và những tư liệu ghi chép hiện còn trong di tích thì đình Bá Dương thờ tướng quân Nguyễn Cả -người đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, duy trì nền tự chủ ở thế kỷ X. Công lao, sự nghiệp của Ngài có thể tóm lược như sau:

Nguyễn Cả sinh ngày 16 tháng 2 năm Bính Thân trong một gia đình nghèo khổ. Lúc nhỏ ở với mẹ, vì nhà nghèo nên ông phải làm đủ mọi việc để kiếm sống. Năm ông 12 tuổi, ông được mẹ cho đi học, vốn bản tính thông minh, ham học hỏi nên ông nổi danh là người có tài quảng đại văn chương, võ nghệ tinh thông. Năm 20 tuổi, gặp lúc trộm cướp quấy nhiễu, Nguyễn Cả đã tập hợp trai tráng trong làng cùng nhau canh phòng, bảo vệ làng xóm.

Lúc đó, một số sứ quân khác quanh vùng như Ngô Khoan ở Tam Đới, Kiều Công Hãn ở Bạch Hạc, Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm, Kiều Thuận ở Cấm Khê đều biết danh tiếng nên đã mời ông cùng cộng tác nhưng Nguyễn Cả đều từ chối.

Năm 965, sau khi Ngô Xương Văn chết, đất nước rơi vào tình trạng hỗn chiến, các thế lực phong kiến nổi lên phân tán cát cứ. Trước tình hình đó, Tháng 11 năm Nhâm Dần, Đinh Bộ Lĩnh đứng lên khởi binh. Ông sai Đinh Điền đến mời Nguyễn Cả tham gia khởi nghĩa. Nguyễn Cả được Đinh Bộ Lĩnh phong làm tướng quân, đem quân đi đánh dẹp các sứ quân. Sau gần 3 năm, khi đã dẹp loạn song các sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi phong thưởng cho các công thần, Nguyễn Cả được phong làm Tổng suý Thượng tế đại tướng quân cùng ban thưởng vàng bạc, của cải và cho hưởng thực ấp tại Bá Dương.

Nguyễn Cả là vị quan chính trực, ngay thẳng, sau nhiều lần can ngăn vua Đinh không được, ông đã xin từ quan về dinh ấp để dưỡng nhàn. Sau khi ông mất, vua Đinh đã sai sứ đem sắc chỉ về Bá Dương làm lễ mai táng và cho lập đền thờ ông làm Thành hoàng làng.

Trải qua các triều đại, Nguyễn Cả đều được gia phong mỹ tự. Hiện trong đình còn nhiều đôi cấu đối ca ngợi công lao, sự nghiệp của ông như:

興  運  祭  扶  玎  一  統  山  河  自 此

戰  功  還  解  夾  千  年  廟  宇  至  今

Hưng vận tế phù Đinh nhất thống sơn hà tự thử

Chiến công hoàn giải giáp thiên niên miếu vũ chí kim

Tạm dịch:

Giúp nhà Đinh giấy vận nước, từ đây non sông thống nhất

Sau chiến thắng giải giáp, nghìn năm đền miếu vẫn còn đây.

Hay:

生  前  昔  著  玎  朝  帥

化  後  靈  昭  柏  邑  神

Sinh tiền tích trứ Đinh triều suý,

Hoá hậu linh chiêu Bá ấp thần.

Tạm dịch:

Khi sống triều Đinh lừng tướng giỏi,

Hoá rồi ấp Bá rạng thần thiêng.

Theo các cụ cao niên trong làng thì di tích khởi nguồn từ một ngôi miếu, là miếu Liên Hợp. Về sau,  bãi sông bị lở nhân dân địa phương đã chuyển ngôi miếu vào vị trí hiện nay, từ đó di tích mang chức năng của ngôi đình làng. Các công trình kiến trúc của đình bao gồm: nghi môn, tả hữu mạc, tiền tế, đại đình, ống muống và hậu cung.

Nghi môn đình xây dạng tứ trụ, hai trụ chính cao khoảng 7m, đỉnh trụ đắp hình chái giành cách điệu, thân trụ tạo gờ nổi bổ khung ghi câu đối bằng chữ Hán. Qua nghi môn là sân rộng, hai bên có tả-hữu mạc, mỗi bên 3 gian xây đơn giản, tiếp đến là tiền tế gồm 5 gian kiểu đầu hồi bít đốc, mái ngói ta, các bộ vì được làm dạng chồng rường cột trốn đặt trên các thanh quá giang vượt, gối đầu vào cột đá. Đại đình cũng là một toà nhà 5 gian xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái ngói mũi hài, bên trong các bộ vì được làm dạng chồng rường giá chiêng, mặt bằng gồm 3 hàng chân. Đáng lưu tâm là nghệ thuật trang trí được tập trung chủ yếu trên hai bộ vì gian giữa như đầu dư, cốn nách với các đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, vân mây, sóng nước, sư tử hí cầu, rồng lá, lão mai hoá rồng …. với những đường nét tinh tế và khéo léo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Toà ống muống gồm 2 gian và hậu cung 3 gian. Cũng giống như các hạng mục kiến trúc của đình, các bộ vì đều làm theo một dạng thống nhất chồng rường giá chiêng. Phía trên các gian đều treo hoành phi, câu đối, cửa võng tự tạo sự linh thiêng và trang hoàng cho di tích.

Qua nhiều biến động của lịch sử, di tích vẫn còn bảo lưu được hệ thống di vật của di tích đa dạng và phong phú về thể loại và chất liệu như đồ gỗ, đồ đồng, đồ đá….Đáng lưu tâm là 9 đạo sắc phong hiện còn trong di tích phong cho tướng quân Nguyễn Cả, trong đó có 3 đạo sắc thời Lê, 01 sắc thời Tây Sơn và 5 sắc thời Nguyễn cùng nhiều bia đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, kiệu rước, khám thờ…được chạm khắc khéo léo, tinh tế. Ngoài những giá trị về mặt văn hoá, nghệ thuật, thẩm mỹ, điêu khắc chúng còn là nguồn sử liệu minh chứng cho quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của di tích qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

 Nét đặc biệt ở đình Bá Dương là hội thi thả diều hàng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ tới công lao của Thành hoàng làng đối với đất nước, quê hương. Đây là một lễ hội đặc sắc và độc đáo nhất trong vùng. Tháng 3 mới là hội thi, nhưng từ tháng tám năm trước, trong làng đã rục rịch làm diều. Không giống như diều Huế có hình công phượng, làm bằng vải bạt, thì diều làng Bá Giang là diều cánh chanh hình trăng khuyết, có gắn thêm sáo bằng gỗ hoặc bằng trúc, tiếng trong vi vút. Để làm ra những con diều đẹp, người ta chọn tre, mua giấy, khoét sáo, chuốt dây... rất tỉ mỉ, công phu. Xưa kia, dây diều làm bằng tre bánh tẻ vót chuốt đều, nối dài, rồi cuộn lại, ngâm vào nước quả cây chuối hột và muối, ninh sôi trong nồi ba mươi mốt ngày trời, thành dây vừa dai vừa mềm. Làm sáo diều bằng cách dùng nan tre đan thành ống, sau đó dùng sơn ta đun mà gắn với miệng sáo khoét bằng gỗ vàng tâm. Chiếc sáo vừa nhẹ, lại có tiếng vừa thanh vừa ấm. Giấy dán diều xưa kia bồi bằng giấy bản. Ngày nay, dây diều là dây ni lông, diều càng nhẹ càng dễ bay cao.

Rằm tháng ba âm lịch, hội thi diều bắt đầu. Trước tiên, có tổ chức tế lễ, rước bánh dầy tưởng nhớ thần linh. Sau đó là cuộc thi diều. Một người khéo tay nhất làng được cử làm một chiếc diều tượng trưng to nhất, dài 5 mét, rộng 1,5 mét dán giấy hồng điều, trên cánh diều có đề bài thơ:

Gió hát trăng thanh hồn non nước

Sải cánh diều bay nhạc sáo ngân

Khí thiêng tướng Cả lưu truyền thống

Anh hùng rạng rỡ sáng lòng dân.

Mở đầu cuộc thi là lễ trình diều. Mọi người dự thi đều mang diều đến trình trước cửa đình. Mỗi năm có khoảng năm, sáu chục người dự thi, đa số là người Bá Giang, ngoài ra còn có thêm người Hạ Mỗ, Tân Hội, Liên Trung tham gia... Diều dự thi có thể dài đến 3m, nhỏ thì cũng dài 1m. Trong gió nồm nam của buổi chiều quê tháng 3, mấy chục cánh diều bay lên cùng tiếng sáo vi vút. Người xem hội có thể đứng trên bờ đê, trước sân đình, hay ở trong làng đều có thể ngắm được những cánh diều bay và nghe tiếng sáo ngân nga trong gió. Thỉnh thoảng có con diều đứt dây, bay về phía sông Hồng. Có những con diều đan chéo dây vào nhau, quấn xuýt lại. Người xem hội hò reo huyên náo. Trẻ nhỏ trong làng đua nhau thả lên trời hàng trăm diều nhỏ có đuôi bay phất phới như vậy. Trên không có mấy tầng diều cao thấp bay phấp phới nhiều vẻ. Tiếng sáo càng cao càng vang xa, làng diều thật ngoạn mục. Hội diều diễn ra chừng hai giờ đồng hồ thì một số diều bị đứt dây, tự loại khỏi cuộc thi. Số lượng diều đạt đến tầng cao và bay đậu giữa trời đã giảm dần.

Vào giai đoạn chung kết chỉ còn mươi chiếc diều, Ban tổ chức Hội thi tập trung ở đền Châu Trần (cạnh đình Bá Dương). Những người ứng thí lùa dây diều vào buộc ở hàng cột trước của đền Châu Trần, sao cho con diều trên cao ứng với đình thờ ông Nguyễn Cả. Các giải Nhất, Nhì, Ba trao cho người có diều bay cao, không chao đảo và có tiếng sáo hay nhất.  Người trúng giải đem phần thưởng vào lễ tạ thần linh.

Hội thi kết thúc, nhưng những con diều vẫn còn bay đến tận đêm khuya…./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Công Tính - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top