Xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng là một làng có bề dày lịch sử - văn hóa. Ngay từ thế kỷ thứ VI, Hạ Mỗ đã đi  vào lịch sử dân tộc với tư cách là kinh đô nước Vạn Xuân

Đại Nam Quốc sử diễn ca có câu:

“Triệu về Long Đỗ Nhi Hà

Lý về Hạ Mỗ, ấy là Ô Diên

Thành cổ Ô Diên, Long Biên và Cổ Loa là những địa danh nổi tiếng thời tiền sử. Hiên nay, thành Ô Diên còn dấu tích ở xóm Già Mét, phía ngoài đê Hạ Mỗ. Xã Hạ Mỗ có chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân và đền Văn Hiến. Năm 1991 cả ba di tích đều được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Thời lý (thế kỷ XII), xã Hạ Mỗ đã đóng góp cho đất nước một nhân vật kiệt suất, văn võ song toàn, đó là Thái úy phụ chính Tô Hiến Thành (1102-1179). Văn Hiến Đường là ngôi đền cổ thờ đại thần triều Lý: Thái úy, phụ chính Tô Hiến Thành và quan nghè Đỗ Chí Trung cùng với các vị hậu hiền của Hạ Mỗ. Đến năm Duy Tân thứ 2 (1908) các tầng lớp nho sỹ trong làng đã tiến hành sửa sang, quy hoạch lại ngôi đền trở thành “Văn Hiến Đường” như hiện nay.

Ngôi đền thiêng tọa lạc ngay đầu làng Hạ Mỗ, trên một thế đất đẹp nhất vùng. Văn bia ghi “Ngọn núi ở phía Đông miền Ô Diên, phía Nam là Hàm Rồng, góc Tây Bắc là làng, đấy là núi kim. Ngôi đền ở trên đỉnh núi, phía Tây Tây Bắc có rồng thiêng tỏa khí, phía Đông Đông Nam có dòng nước  chầu về. Đó chính là đền Văn Hiến vậy”

Hiện tại, đền Văn Hiến hướng nhiều phía Đông - Nam. Quy hoạch mặt bằng gồm một cổng gạch nhỏ dẫn vào con đường vòng cung qua ao sen hình bán nguyệt (Hồ khai khẩu), cổng chính rộng rãi, lối đi thoáng đãng dẫn đến tượng Thái úy Tô Hiến Thành đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm sách, tay trái giữ thanh kiếm tư thế văn võ song toàn đứng trên bệ đá trang trọng, vững chãi. Cảnh sắc này tạo cho di tích sự gắn bó, hòa nhập với cảnh đẹp đẽ bao quanh. Ngôi đền tựa lưng về phía tây, có con đê làng vững chãi, cơ đê có Quán Bét (thờ Lý Bát Lang), xa xa là núi Tản Viên -Tam Đảo. Phía trái đền là một dải đầm sen, xưa là nguồn sông Nhuệ. Phía phải đền là đường trục chính vào làng Hạ Mỗ, dân cư trù phú. Trước mặt đền là một khoảng đất rộng, bằng phẳng và một lạch nước rộng chảy từ sông Nhuệ cổ (trái) sang phía Thượng Mỗ (phải) có tên là đầm An Lạc. Có phải thuyết phong thủy của  cổ nhân đã ứng nghiệm vào đất này chăng?

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1928) khi bức đại tự “Văn Hiến Đường” được tô lên bảng lớn, các nho sỹ trong vùng khắc đá dựng bia, lưu  truyền nguồn gốc của đền Văn:

Từ đời Thành Thái trở về trước, nhà Văn Hiến Đường này chưa có, bia kỷ niệm còn đặt ở bờ ruộng khoa trường. Ngoài nhà để bia ra, bốn bề gió lộng. Kìa những bậc lừng danh, những người nối sự nghiệp, trải các triều đại, đều dựng miếu phụng thờ, gấm hoa phong sắc. Ở Văn chỉ hàng huyện, xuân thu nhị kỳ, vẫn hương khói, thờ cúng. Vậy mà nơi làng xưa quê cũ, chỉ còn một tấm bia tàn ở chốn đồng hoa nội vắng. Hàng năm, vào rằm tháng ba, ngoài ngày hội tư văn cúng lễ, thì chỉ kẻ chăn trâu cắt cỏ lại qua, những người có tâm huyết, ít ai coi bia đó như bia ở núi Nghiễn… Rõ ràng có ý phải xây dựng đền Văn Hiến. Dĩ nhiên là phải chọn đất, chọn gỗ tốt, hướng sáng sủa, nơi không lụt lội và thế đất bằng phẳng để làm ngôi đền này”

Đền có ba tấm bia đá. Tấm bia thứ nhất có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 năm Mậu Tuất (1788), có bốn mặt, cao 1,2m, rộng 0.65m, phía trên có hình búp sen. Phía dưới chạm nhiều cánh sen cách điệu. Giữa bia khắc 3 chữ Hán lớn: Tiên Hiền vị, nghĩa là Ngôi vị hiền tài từ các đời trước. Mặt sau bia đá khắc tên 24 vị nho sinh và sinh đồ đã thi đỗ các khoa nối tiếp nhau. Có vị đã được bổ làm quan tri phủ. Ngày 2 tháng 3 âm lịch hàng năm, mọi người tụ hội, tiến hành các nghi lễ tại khoa tràng. Họ góp tiền tậu 4 sào ruộng lấy hoa lợi dùng vào việc tế lễ. Văn bia có đoạn ghi:

“Chủ ý lập bia, khắc tên các vị khoa mục để biểu thị lòng sùng kính, mong cho đạo thánh hiền ngày càng thịnh vượng, đường học vấn ngày càng rạng rỡ, để bồi đắp mạch đạo, chấn hưng văn phong. Xem như kẻ sĩ ở làng ta nối tiếp khoa danh, tiếng tăm lừng lẫy muốn được sánh cùng trời đất, núi sông bền vững. Người nào thi  đậu các khoa cũng sẽ được khắc bia để truyền lại lâu dài”.

Đáng chú ý ở tấm bia có tên “Tiền hiền bi ký” nghĩa là bia ghi sự nghiệp các bậc hiền tài đời trước. Bia lập vào năm Gia Long thứ 17, tức năm Mậu Dần 1818, do sinh đồ Đinh Tử Ân Phụng soạn. Nội dung nêu sự nghiệp của tướng công họ Tô, tên là Hiến Thành, học vị Thái học sinh (tiến sĩ), giữ ngôi Thái sư trong triều đình nhà Lý. Vị thứ Hai là Tướng công họ Đỗ, tên Chí Trung, học vị đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Ất Mùi, đời vua Hồng Đức nhà Hậu Lê, chức vụ Nhập nội thị, Tả thị lang, tước phong Kim tử vinh lộc thượng đại phu.

Văn bia ghi về sự nghiệp khoa cử: “Bia làng ta dựng lên bởi khí tốt của dòng sông Nhuệ, dồn tinh hoa lại. Đất thiêng, người giỏi đạt đỉnh cao trong nước. Có bậc làm nên đại sự nghiệp, có bậc chiếm được đại danh khoa. Còn như các học vị tam, tứ trường thì đầy rẫy, hơn hẳn các làng, xã bốn phía xung quanh…”

Tấm bia quý giá này trước đặt trên bệ thờ gian giữa ngôi đền, áp sát vào lưng bức tượng đức Tô Hiến Thành. Nay đã phát lộ, càng minh chứng cho mảnh đất Hạ Mỗ Văn Hiến là quê hương sinh ra Thái úy Tô Hiến Thành danh nhân đất nước.

Ngành Văn hóa và Chính quyền địa phương đang quy hoạch xây nhà bia trang trọng trong khuôn viên di tích đền Văn Hiến. Vừa tôn thêm vẻ đẹp của di tích, lại có tác dụng giáo dục truyền thống hiếu học, trọng hiền tài của tổ tiên.

Căn cứ nội dung và các nhân vật được thờ trong di tích, Văn Hiến đường là một dạng văn chỉ rất phổ biến trong các làng xã truyền thống ở nước ta dưới triều Nguyễn. Nghiên cứu thêm về nghi thức thờ cúng, lễ hội đều thấy xoay quanh nhân vật chủ yếu là Thái úy Tô Hiến Thành. Nhân dân còn gọi là Đức Tô.

Văn Hiến đường bao gồm tiền tế, bái đường và hậu cung. Nhà tiền tế gồm 5 gian xây gạch bít đốc, phía trước có hàng hiên tương xứng với 5 khoảng hoành. Các vì mái bào trơn đóng bén, diềm mái chạm hổ phù, hoa giấy. Phần này làm thêm thời Nguyễn, tạo thêm không gian cho sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Phần chính của đền hình chữ đinh (chuôi vồ) gồm đại bái và hậu cung. Tất cả đều xây bằng gạch bao quanh tạo không gian riêng khép kín. Đại bái xây bít đốc, lớp ngói cổ mũi hài, phần gỗ đỡ mái kiểu thượng chồng giường hạ kẻ. Mặt trước thông ra tiền tế gian bên xây tường hậu, sát tường là bệ gạch bày long ngai, hương án, bia đá thờ táo quân bên phải, các vị hậu hiền thờ bên trái.

Hậu cung gồm 3 gian dọc nối với giữa nhà đại bái, kiến trúc kiểu tám mái. Hai góc đao cong lên tạo cảm giác mềm mại, bay bổng. Nội cung, trên cùng là long ngai đặt bức tranh thờ Khổng tử, tiếp đến là 3 pho tượng gỗ Tam Thánh Đế quân, vị trí 3 chân kiềng.

Đó là Tam thánh Đế quân mặc áo đỏ, mũ cánh chuồn. Văn Xương đế quân (Thần chủ đề văn học) đội mũ cánh chuồn. Và Lã Đồng Tân (Một trong 8 vi tiên nổi danh của đạo Lão) mặc áo xanh, mũ mềm, hiền hậu.

Nổi bật của nhóm tượng thờ là pho tượng Thái úy Tô Hiến Thành. Tượng cao 1m50 tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng. Tư thế tượng uy nghi, phong nhã, khuôn mặt trắng hồng, mắt phượng mày ngài, trông quắc thước mà hiền hậu. Tượng đặt trên bệ gỗ, ngai vàng. Tay ngai chạm đầu rồng chầu về phía trước, thân uốn lượn về phía sau, hai bên đuôi chụm lại hậu ngai thành một bông sen nở. Tượng Đức Tô mặc áo thụng, mũ mãng cân đai. Hai tay nâng tấm thẻ bài gắn mặt gương tròn chiếu về phía trước (nơi kinh thành Thăng Long), những ngón tay thon thả mềm mại như tay Phật. Giữa đai in chữ triện “Phúc - Lộc - Thọ”. Mặt tiền giữa áo bào khắc biểu tượng một con long mã cắp chữ thọ đang phi nước đại, trên những lớp sóng nhấp nhô. Phải chăng, đó là hình ảnh của Thái úy Tô Hiến Thành: “thanh cao như rồng bay, khỏe mạnh như tuấn mã, tả xung hữu đột giữa biển khơi và sống mãi với nhân gian”.

Tượng danh nhân Tô Hiến Thành được đặt giữa khuôn viên Đền

Tượng danh nhân Tô Hiến Thành được đặt giữa khuôn viên Đền

Pho tượng quan nghè Đỗ Chí Trung cũng đặt ở giữa hàng giữa, dưới bệ tượng của Tô Hiến Thành, kích thước nhỏ hơn (cao 0,70m), ông đỗ tiến sỹ khoa Ất Mùi, năm Hồng Đức thứ 6 (1475) làm quan tới chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc, Thượng Đại phu, Nhập nội thị, Tả Thị Lang. Ông còn đứng đầu khoa kim cương bát bộ, là một trong 28 vì sao Hội Tao đàn do Lê Thánh Tông sáng lập. Ở nhà đại bái phía ngoài, các vị hậu hiền đỗ cử nhân và tú tài ở hai đời Lê – Nguyễn được khắc bia thờ phía bên trái.

Một di vật vô cùng quý giá ở Văn Hiến Đường là tấm bia đá đặt ở trước sân đền, sát với ao sen bán nguyệt. Nhà bia kiểu hai tầng bằng gạch xây, tám mái với các góc đao uốn cong lên. Đầu đao đắp nổi các con công vươn mình như bay về nóc mái. Bốn mặt tường, đắp nổi hình hổ phù, chim phượng nhìn ra bốn hướng. Trên tầng phía trong treo quả chuông đồng. Tầng dưới mở 3 cửa nhỏ chính giữa đặt tấm bia đá trụ đứng trên lưng con rùa chầu vào cửa giữa cửa đền. Trán bia chạm cảnh lưỡng long chầu nguyệt, vân mây hoa lá, hàng chữ khắc nổi Văn Hiến Đường bi ký. Bia cao 1m40, rộng 0,80m, dày 0,12. Nội dung bia ghi quá trình xây dựng đền Văn Hiến, ý nghĩa việc phụng thờ các hiền nhân… Niên hiệu Bảo đại thứ 3, ngày 12 tháng 6 năm Mậu Thìn (1928).

Trong khuôn viên kiến trúc của đền còn có một ngôi mộ cổ nằm ở phía sau đền, sát với hậu cung. Tương truyền đây là ngôi mộ của Tô Hiến Thành. Trước đâu có quy mô lớn, sau thu hẹp dần, gần đây nhân dân và dòng họ Tô toàn quốc, tôn tạo ngôi mộ bằng đá trắng và đá ong…

Cổng lăng mộ thờ danh nhân Tô Hiến Thành

Cổng lăng mộ thờ danh nhân Tô Hiến Thành

Đền Văn Hiến bảo lưu được trọn vẹn các bản khắc gỗ in bộ thơ văn cổ kim truyền lục. Có trên 500 bài chia làm 4 tập “ Nguyên - Hanh - Lợi - Trinh” do các nho sỹ trong làng sáng tác và xuất bản vào đầu thế kỷ XX. Đây là những mộc bản triều Nguyễn có giá trị cao của một “Nhà xuất bản” sách Hán Nôm ở địa phương.

Đền còn lưu giữ một khối lượng di vật lớn gồm thần phả, câu đối hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ và thơ văn… cùng nhiều cây cối cổ thụ xung quanh. Những di vật ấy góp phần tìm hiểu vùng đất cổ Ô Diên, về Quốc đô của Nhà nước Vạn Xuân thời tiền Lý, một kho báu của văn hóa làng giàu truyền thống hiếu học.

Đền Mẫu, sát với đền Văn Hiến, có quy mô, kiểu dáng kiến trúc tương tự nhau. Nhà tiền tế, nhà hậu cung, điện thờ có tượng Thích ca sơ sinh và tam tòa Thánh Mẫu (mẫu thiên, mẫu thủy và mẫu Nhạc). Là nơi thờ cúng dân gian, thuận lợi đón khách cho những ngày tiệc chính.

Văn Hiến Đường có nhiều  câu đối, ý nghĩa sâu xa.

Phiên âm:

- Thủy tú - Sơn kỳ Lý Hoàng Thượng định đô tối cổ

- Địa chung nhân kiệt, Tô Thái sư phát tính như kim

Tạm dịch:

- Sông đẹp, núi kỳ - Lý Hoàng Thượng định đô lâu lắm.

- Đất nước người tài - Tô Hiến Thành phát tính đến nay.

Những năm gần đây, khu di tích danh nhân Tô Hiến Thành được quy hoạch tổng thể diện tích 2ha bao gồm khu hành lễ (bao gồm đền Tô Hiến Thành lăng mộ và đền mẫu), khu sân vườn tượng đài và công viên cây xanh, hồ nước…

Năm 2006, đã dựng tượng đồng danh nhân Tô Hiến Thành. Tượng đặt giữa vườn hoa, trước cửa đền, do nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán sáng tác mẫu thể hiện đức Tô văn võ song toàn. Đây là tác phẩm văn hóa - nghệ thuật của phong trào “Mỗi giọt đồng đúc tượng danh nhân” do Hội khoa học lịch sử Việt Nam phát động. Nhân dân, cán bộ, con cháu dòng họ Tô toàn quốc và khách thập phương nhiệt tình công đức. Dự án tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Văn Hiến Đường tiếp tục được thực hiện với ý nghĩa “ Công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội 1010 – 2010”. Mong sao nơi đây sớm trở thành du lịch văn hóa  - lịch sử, góp phần bảo tồn nền Văn Hiến, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mình Nhương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top