Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khí thế cách mạng sôi sục “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Ba đảm đang” trở thành một cao trào sôi nổi, lôi cuốn hàng triệu phụ nữ, nông dân, công nhân, bác sỹ toàn miền Bắc tham gia

Không chỉ động viên chồng con lên đường chiến đấu, mà họ còn chăm lo gia đình, vừa phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện tiền tuyến lớn miền Nam.

Vào một ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi về quê hương Đan Phượng, (Hà Nội) - nơi khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang” để nghe những câu chuyện xúc động về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam kiên trung, bất khuất.

Tượng đài “Đan Phượng quê hương người con gái đảm” được đặt ngay bên quốc lộ 32, hiện thân cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam thời chiến: vừa chắc tay cày, tay súng, vừa địu con trên vai để xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến yên tâm đánh giặc. Đây là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thể hiện lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của phụ nữ Đan Phượng nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc.

Chúng tôi tìm về thôn 9, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng để gặp bà Lê Thị Quýnh, là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trung Châu từ những ngày đầu phong trào ra đời. Năm nay bước sang tuổi 75 nhưng bà Quýnh còn khỏe mạnh và minh mẫn. Bà vẫn nhớ như in ngày 08/3/1965 khi Thường trực Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” tại Trường cấp II xã Đan Phượng.

“Khi ấy tôi mới 23 tuổi, một nách nuôi 2 con nhỏ và mẹ già, ông ấy thì đi thanh niên xung phong nên vất vả lắm. Sau khi 16 xã nghe phát động phong trào về triển khai, việc khó khăn nhất là đi vận động tuyển quân, nhưng khi vận động được rồi thì phong trào lên “như diều gặp gió”, bà Quýnh nhớ lại.

Trong ký ức của bà, niềm tự hào về những tháng ngày hào hùng đầy gian khổ đó mãi mãi không thể quên. Bà tự hào kể: “Tại sao lại có phong trào “Ba đảm đang”? Lúc đó là thời kỳ chiến tranh diễn ra ác liệt, với quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh động viên chồng con vững bước trên mặt trận tiêu diệt quân thù, Thường trực Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng trong tư thế “đứng ngồi không yên” vì ngành Công nghiệp có phong trào “Ba điểm cao”; thanh niên có phong trào “Ba sẵn sàng”; quân đội có “Ba quyết tâm”.

Ngày 05/02/1965, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ của huyện họp hội nghị mở rộng với 130 đảng viên nữ để phổ biến hình hình và xác định nhiệm vụ mới của phụ nữ địa phương. Chị em bàn bạc sôi nổi và đi đến quyết định phụ nữ phải làm “Ba nhiệm vụ” chủ yếu để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu, đề xuất với Ban thường vụ Huyện ủy và được nhất trí. Ngày 08/3/1965 phong trào “Ba đảm nhiệm” ra đời, được Báo Nhân dân kịp thời đưa tin cổ vũ trên trang nhất. Từ đây, phụ nữ Đan Phượng vinh dự được nhân dân cả nước biết đến là “quê hương người gái đảm”.

Ngày 22/3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” thành một cao trào rộng lớn với ba nội dung thu gọn: đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Phong trào nhanh chóng được triển khai đến mọi miền, mọi nhà, mọi người. Phong trào “Ba đảm nhiệm” được Bác Hồ đổi tên thành phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”.

Chỉ sau hơn 2 tháng phát động, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký “Ba đảm đang” và trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi. “Trung Châu không có ruộng thì chúng tôi phát động chị em làm bèo hoa dâu, làm phân xanh, tăng gia sản xuất đảm bảo lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Chúng tôi còn tổ chức đắp một con đường chống tràn từ Vân Thủy về Vân Môn gọi là “Con đường ba đảm đang”.

Làm bất cứ một phong trào gì mà vất vả thì đều gọi đó là phong trào “Ba đảm đang”. Chị em ngày đi sản xuất, đêm về tập luyện dân quân. Chị em nào có chồng đi B lâu ngày chúng tôi còn tập trung đến giúp làm cỏ, an ủi, đùm bọc. Phải nói thời kỳ ấy ai cũng làm việc gấp đôi, gấp ba, hăng say lắm, thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, cả huyện có nhiều chị là chủ nhiệm giỏi, là chủ tịch xã tận tụy vì dân”, bà Quýnh kể với giọng đầy tự hào. Bà cho biết, phong trào “Ba đảm đang” ở Trung Châu đã được tặng Cờ luân lưu về sản xuất giỏi, chăn nuôi giỏi.

Với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cày cuốc là vũ khí”, chị em phụ nữ nông dân “tay cày, tay súng” sôi nổi thi đua. Ở Hải Dương có bà Nguyễn Thị Mười được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn ngành Nông nghiệp giai đoạn 1967-1970 và được vinh danh là “Kiện tướng nuôi bèo hoa dâu”. Bà còn được mời đến Vĩnh Lĩnh (Quảng Trị) và Quảng Bình giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật thâm canh tăng năng suất lúa. Ở quê hương Đan Phượng, chị em ở nhà vừa sản xuất vừa phục vụ chiến đấu. Các chị em được tổ chức bổ sung vào các đơn vị chiến đấu, bố trí trực chiến ngày đêm ở các trận địa.

Kể về những tháng ngày đó, bà Quýnh cho biết, bà cũng như nhiều chị em khác, con còn đang bú phải gửi lại cho mẹ đẻ trông nom để đi thực hiện phong trào. “Những gì đàn ông làm được thì chúng tôi cũng làm được và làm không kém gì họ”- bà nói chắc như đinh đóng cột. Trưởng thành từ phong trào “Ba đảm đang” bà Quýnh được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Trung Châu.

Với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang, chăm lo việc gia đình, chị em ở Đan Phượng đã hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng, dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thủy chung. Họ đã vì nghĩa lớn gác lại tình riêng, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường. Phong trào “Ba đảm đang” đã mang lại giá trị tinh thần và vật chất to lớn, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, góp phần đem đến chiến thắng vĩ đại cho dân tộc.

Để ghi nhận vai trò, ý nghĩa to lớn của nơi khởi nguồn phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời thể hiện tình cảm sâu sắc, cũng như nguyện vọng của nhân dân với những người mẹ, người chị đã đảm đang thay chồng, thay con vừa sản xuất, vừa chiến đấu ở hậu phương, UBND huyện Đan Phượng đã khẩn trương tiến hành hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương, thành phố được xây dựng tượng đài Phụ nữ “Ba đảm đang” theo đúng quy chế xây dựng tượng đài của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Văn hóa – Thể thao và Du lịch). Ngày 18/10/2008, được sự đồng ý của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Đan Phượng đã khởi công xây dựng tượng đài.

Tượng đài với nhân vật chính là người phụ nữ với tư thế hiên ngang, vai đeo súng, một tay bế con, một tay cầm cày, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Bên dưới bệ tượng là cả một cánh đồng lúa chín; mặt trước bệ là phù điêu đắp nổi hình ảnh máy bay Mỹ bốc cháy; phía sau bên phải tượng đài được bố cục hoành tráng bằng bức phù điêu lớn; bên trên tượng đài chạm nổi hình ảnh người chiến sỹ Giải phóng quân ngoài mặt trận; bên dưới tượng đài diễn tả hình ảnh vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu ở hậu phương kèm theo dòng chữ “Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Tất cả các hình khối của tượng đài được liên kết với nhau tạo thành một tổng thể hài hòa, hoành tráng nhưng rất gần gũi với mọi người.

Quy mô tượng đài, gồm: Tượng cao 5,2m; bệ tượng cao 3m; đài cao 12m, rộng 2,5m; phù điêu cao 4,5m, dài 7m. Chất liệu: Tượng và bệ tượng được làm bằng đá xanh Thanh Hóa; bệ phù điêu bằng bê tông cốt thép, ốp đá chạm nổi.

 

Tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang - Ảnh 1

Nhìn tổng thể, tượng đài Phụ nữ “Ba đảm đang” được đặt tại trung tâm ngã ba thị trấn Phùng (đường 32 và đường tránh 32), trên một bệ cao có vị trí đẹp với tầm nhìn bao quát rộng lớn. Khối tượng đã thể hiện khái quát được hình ảnh người Phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp dung dị nhưng đầy hiên ngang, bất khuất của một thời kỳ oanh liệt, hào hùng của dân tộc.

Tượng đài kỷ niệm Phụ nữ “Ba đảm đang” chỉ là một góc nhỏ để ghi lại những dấu ấn lịch sử của một giai đoạn mà ở đó, em phụ nữ có những đóng góp to lớn cho đất nước… Lịch sử vẻ vang của dân tộc đã chứng minh, PNVN trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn hoàn thành thiên chức của người mẹ, người vợ và xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng. Chiến tranh đã lùi xã, non sông đã thu về một dải, nhưng vẫn còn in đậm mãi những chiến công oanh liệt từ các phong trào thi đua sôi nổi của chị em phụ nữ cả nước, trong đó nổi bật nhất là phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”.

Đây là công trình văn hóa, lịch sử cách mạng có giá trị của TP Hà Nội và huyện Đan Phượng nói riêng. Tượng đài hào hùng làm đẹp thêm vùng đất quê hương Đan Phượng, TP. Hà Nội. Công trình hoàn thành góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của dân tộc nói chung, Phụ nữ Việt Nam nói riêng. Tượng đài hào hùng làm đẹp thêm quê hương Đan Phượng anh hùng, xứng đáng là công trình chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Công Tính - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top