Đình nằm sát chân đê Đại Hà, cạnh ngã ba Liên Hà, có tên gọi là đình Ngũ Giáp, do 5 giáp của thôn Thượng, xã Hạ Trì, tổng Hạ Trì (nay là thôn Đoài Quý, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng) xây dựng từ lâu đời, thờ vị Thành hoàng làng là Lã phủ quân (tức Lã Gia).

Lã phủ quân Lã Gia là nhân vật nổi tiếng, đã được Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ trong kỷ nhà Triệu và được thờ tại nhiều di tích ở nước ta. Các thần phả thường chỉ nhần mạnh vào công lao của vị thần được thờ đối với địa phương và thường có yếu tố linh dị.

Ngài vốn tên hiệu là Bảo Công, là Tể tướng của nhiều đời vua nhà Triệu nước Nam Việt. Ông là người nắm chính trường nước Nam Việt những năm cuối và cuối cùng thất bại trước cuộc xâm lăng của nhà Hán. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lã Gia là Tể tướng ba đời vua Triệu, từ Văn Vương (136 - 125 TCN), Minh vương (124 - 113 TCN), Ai vương (112 TCN) tới Thuật Dương vương (112-111 TCN). Minh Vương Triệu Anh Tề đã có con lớn là Triệu Kiến Đức với một bà vợ người Việt, nhưng vì yêu Cù Hậu là người Hán nên lập con nhỏ của Cù Hậu là Hưng lên thay. Năm 113 TCN, Minh Vương chết, Hưng nối ngôi, tức là Ai Vương.Trước kia, thái hậu chưa lấy Minh Vương, đã từng thông dâm với An Quốc Thiếu Quý người Bá Lăng. Năm ấy nhà Hán thấy nước Nam Việt vua nhỏ nên sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Ai Vương và thái hậu vào chầu, như đối với các chư hầu nhà Hán, lại sai biện sĩ là bọn Gián nghị đại phu Chung Quân tuyên dụ, dũng sĩ là bọn Ngụy Thần giúp việc, vệ úy Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả. Triệu Hưng còn ít tuổi, Cù thái hậu là người Hán, Thiếu Quý đến, lại tư thông. Người nước biết, phần nhiều bất bình không theo thái hậu. Thái hậu sợ, muốn dựa uy nhà Hán, nhiều lần khuyên Triệu Hưng và các quan xin nội phụ nhà Hán, bèn nhờ sứ nhà Hán dâng thư, xin theo như các chư hầu của nhà Hán, cứ 3 năm một lần vào chầu, triệt bỏ cửa quan ở biên giới. Vua Hán bằng lòng, ban cho Ai Vương và Thừa tướng Lã Gia ấn bằng bạc và các ấn nội sử, trung úy, thái phó, còn các chức khác được tự đặt lấy. Cù thái hậu đã sửa soạn hành trang lễ vật quý giá để cùng Ai Vương vào chầu. Tể Tướng Lã Gia tuổi cao chức trọng, người trong họ làm trưởng lại đến hơn 70 người, con trai đều lấy con gái vua đời trước, con gái đều gả cho con em vua và người tôn thất, cùng thông gia với Tần Vương ở quận Thương Ngô (nhà Hán). Trong nước Nam Việt, ông được lòng dân hơn cả vua. Lã Gia nhiều lần dâng thư can Ai Vương nhưng Ai Vương không nghe. Lã Gia quyết định làm binh biến, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều muốn hại ông, nhưng thế chưa thể làm được.

Lã Gia sau đó đều bị chết trận.

Trải qua các triều đại nhà Trần, nhà Lê sơ… Lã phủ quân Lã Gia đã nhiều lần phù giúp vua tôi đánh giặc Nguyên Mông, giặc Minh nên được ban cấp  nhiều sắc phong với các mỹ tự như: Quốc Vương thiên tử; Tuấn lương cương trực Lã phủ quân…

Lã Gia được lập đền thờ tự ở nhiều nơi như Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Theo tư liệu hồi cố của nhân dân trong vùng thì ngay sau khi Lã phủ quân mất tại trang Hạ Trì, nghĩa là từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, nhân dân đã xây dựng đền Ngũ Giáp để thờ ông. Hiện không có tư liệu thành văn minh chứng điều này. Tuy vậy, các di vật hiện còn tại di tích, nhất là các bản sắc phong có niên đại sớm như sắc Vĩnh Tộ nhị niên (1620), Dương Hòa tam niên (1637)… đã có thể khẳng định di tích ít nhất có mặt tại đây từ thời Lê. Sang đến đầu thế kỷ XIX, nhân dân địa phượng đã đóng góp tiền của xây dựng một tòa lớn, giải vũ trước nhà tiền tế của đền. Từ đó, đền trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng như chức năng của đình làng. Tên gọi đình Ngũ Giáp cũng xuất hiện sau thời gian này. Đến năm Thành Thái Tân sửu (1901) đình đã được trùng tu, sửa chữa như hiện nay.

Đình Ngũ giáp được xây theo hướng bắc, trông ra sông Hồng. Trước đây, quy hoạch kiến trúc cũ của đình chia thành hai phần: phần đền gốc hình chữ đinh, phần còn lại gồm Tiền, hai dãy nhà tả, hữu mạc, sân gạch rộng phía trước. Song hiện nay, do sự biến đổi dòng chảy của sông Hồng về phía bờ nam nên đoạn đê cũ phải lùi sâu, tiến sát kiến trúc chính của đình nên phần sân và hai dãy tả, hữu mạc phía trước đã phải dỡ đi, nhường chỗ cho đoạn đê mới chuyển vào.

Ngôi đình còn giữ được nhiều di vật quý, trong đó có 3 bộ kiệu gỗ lớn, các đầu kiệu chạm rồng, dưới các tay đòn chạm hổ phù. Các bộ khám thờ cũng chạm rồng và hoa lá cách điệu. Ngoài ra còn có tàn tán, bệ hương, bát hương, hoành phi, câu đối… Đặc biệt, đình còn giữ được số lượng sắc phong rất lớn, gồm 34 sắc, trong đó có 20 đạo sắc thời Lê, sớm nhất là sắc có niên đại Vĩnh Tộ 2 (1620), Đức Long nguyên nên (1629)…; 02 đạo sắc thời Tây Sơn và 12 đạo sắc thời Nguyễn cùng 1 bản thần phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Đây là một trong những di tích còn giữ được nhiều di vật quý của huyện Đan Phượng. Những di vật này là những tư liệu quý góp phần tìm hiểu nghệ thuật, điêu khắc truyền thống của dân tộc.

Cứ đến ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân làng Đoài Quý lại tưng bừng tổ lễ hội tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng đã âm phù nhiều điều tốt cho dân làng. Lễ gồm tế Thần và rước Thần. Tế Thần là các buổi cúng lễ ca ngợi công đức, dâng hiến lễ vật lên Thành hoàng. Đặc biệt ở Đoài Quý, xã Liên Hà, vật tế là một ông trâu mộng. Trước đây 5 giáp gồm có giáp nhất, giáp nhị, giáp tam, giáp tứ ở trong đê, giáp ngũ ở ngoài đê, các giáp thay nhau đảm nhiệm việc nuôi trâu, đến ngày lễ thì mang ra đình tế sống, sau đó làm cỗ mời cả làng. Có giai đoạn làng giao hơn hai mẫu ruộng cho chủ tế tạu trâu và nuôi trâu từ hoa lợi ruộng, đến lễ hội thì dùng trâu đó tế thành hoàng. Ngày nay, trâu tế Thành hoàng do toàn dân đóng góp tiền của để mua. Làng có rước kiệu quanh làng theo nghi thức truyền thống, gồm có ba kiệu là: kiệu sắc đi đầu; tiếp đến kiệu cỗ; sau cùng là kiệu giá văn. Tham gia đoàn rước có đông đảo quân chúng nhân dân. Do địa thế nằm cạnh sông Hồng nên ở rất nhiều xã của huyện Đan Phượng trong lễ hội thờ Thành hoàng đều có hội đua thuyền. Làng Đoài, xã Liên Hà vào dịp lễ mùng 2 tháng 2 âm lịch cũng có hẳn một đội thuyền phục vụ hội đua. Thuyền đua là thuyền rồng, trang trí đẹp mắt. Hội đua thuyền chính là hình thức mô phỏng lại những trận đánh xưa kia trên sông nước của quân Tể tướng Lã Gia. Ngoài ra còn có các trò vui khác như chọi gà, cờ tướng… Các trò vui đều có giải thưởng bằng tiền từ nguồn công đức thập phương.

Với những giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu, đình Ngũ Giáp đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại quyết định số 1539VH/QĐ ngày 27 tháng 12 năm 1990. Đây là một trong những địa chỉ văn hóa, kiến trúc đẹp của huyện Đan Phượng cần được tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu sâu.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Công Tính - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top