Ngôi đền nằm sát chân đê, nhìn theo hướng chính bắc ra sông Hồng. Đền thờ nữ tướng quân Sa Lãng, một vị nữ tướng đã theo giúp Ha Bà Trưng đánh giặc. Xưa kia, đền thuộc xã Hạ Trì với các thôn Thượng Thôn, Trung Thôn, Hạ Thôn và Đoài Quý. Đến sau này khi tách xã thì Thượng Thôn và Đoài Quý thuộc xã Liên Hà; Trung Thôn và Hạ Thôn thuộc xã Liên Trung. Ngôi đền theo địa giới hành chính hiện nay nằm trên địa bàn xã Liên Hà, song việc thờ cúng Bà Sa Lãng thì vẫn như lệ cũ, nghĩa là vẫn do nhân dân hai xã Liên Trung và Liên Hà hiện nay đảm nhiệm. Lễ hội hàng năm vì thế vẫn không có gì thay đổi, vẫn giữ được mối đoàn kết, hài hòa vốn có từ xa xưa. Đó là một điều rất đáng trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Tương truyền nữ tướng Sa Lãng là con gái một trưởng bộ, quê tại Nam Hải. Sa Lãng còn có người anh là Hùng Lĩnh (có bản chép là Hùng Sinh). Tuổi rất trẻ, hai anh em đã nổi tiếng tài giỏi. Bấy giờ giặc Đông Hán tàn ngược, Thứ sử Tô Định càng xảo quyệt, thấy nàng Sa Lãng xinh đẹp, tài giỏi hơn người hắn đã đòi lấy Sa Lãng làm thiếp. Nhưng bị nàng và cả nhà cự tuyệt. Anh trai nàng bị gọi lên phủ đường dọa nạt. Hùng Lĩnh không nghe lời Thái thú và đã bị giết hại. Tô Định cho quân vây bắt cả nhà nàng Sa Lãng, nàng đã được một thị nữ cứu thoát. Nợ nước thù nhà chồng chất hai vai, Sa Lãng nhen nhóm trong lòng ý chí phục thù khởi nghĩa. Sa Lãng đã đi các vùng quanh từ Đan Phượng, Từ Liêm, Tiên Du và qua sông Hồng sang Yên Lạc, Bạch Hạc để chiêu binh luyện tập.

Đúng lúc đó, Hai Bà Trưng cũng đang tổ chức khởi nghĩa. Được tin này, Sa Lãng kịp thời kéo quân về với Hai Bà Trưng và là trở thành một trong những bộ tướng có nhiều công lao đánh giặc Tô Định.

Sau khi đánh tan quân giặc Đông Hán, đuổi Tô Định về nước, Hai Bà Trưng lên ngôi và ban thưởng cho các tướng lĩnh. Bà Sa Lãng được ban tước lộc và cho hưởng thực ấp tại Hạ Trì. Ở đây, Bà đã dạy dân cấy lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đóng thuyền, thả lưới đánh cá trên sông. Dưới quyền cai quản của bà, nhân dân quanh vùng luôn luôn được hưởng thái bình, đời sống ấm no, đầy ắp tiếng cười, tiếng ca, tiếng hát. Một thời gian sau, vào ngày rằm tháng Bảy trăng tròn, không ốm, không đau, tự nhiên Bà mất. Nhân dân vô cùng thương tiếc người con gái tài hoa, bèn lập đền thờ cúng, đời đời hương khói để tưởng  nhớ công ơn của bà.

Theo thần phả và những truyền thuyết trong dân gian thì ngay sau khi nữ tướng Sa Lãng mất, nhân dân đã lập đền thờ bà tại trang Hạ Trì. Lúc đầu, Bà được thờ ở ngôi đình chợ Dày phía ngoài đê sông Hồng. Song, do vị trí quá sát đê, sông Hồng hàng năm vẫn dâng nước vào mùa lũ, lại thêm việc đổi dòng theo chu kỳ khiến bờ bên này có khi bị ăn vào rất sâu. Cư dân và các công trình nhà ở, công cộng vì thế phải di dời vào sâu hơn. Đình Dày đã phải chuyển vị trí nhiều lần. Về sau, để thuận lợi và yên vị thờ cúng bà Sa Lãng, dân làng đã chuyển hẳn ngôi đình vào trong đê, lập thành ngôi đền mới để thờ Bà. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu hiện còn tại ngôi đền không cho biết chính xác thời gian ngôi đền xuất hiện và những biến cố của sự dịch chuyển. Hiện nay, ngôi đình cũ ở chợ Dày không còn, nhân dân đã dựng tạm một tòa nhỏ để thờ bái vọng, song đến  kỳ lễ hội lớn vẫn có lễ rước kiệu rất long trọng từ đền ra ngôi đình bái vọng này.

Trải qua biến thiên của lịch sử, đền thờ bà Sa Lãng hiện nay vẫn mang dáng dấp của một di tích cổ kính với các hạng mục gồm: nghi môn, sân, tả hữu mạc. Đền thờ chính hình chữ công gồm: Đại bái, trung cung và Hậu cung.

Tại Trung cung đền còn treo bức hoành phi: “Nữ trung hào kiệt 女中豪傑” (Bậc hào kiệt trong giới nữ) để ca ngợi bà Sa Lãng.

Ở đền còn một di vật quý giá là bức phù điêu gỗ tạc hình Bà Sa Lãng và các nàng hầu, được đặt trong khám thờ của hậu cung thâm nghiêm. Phù điêu hình vuông, mỗi cạnh 1,3 mét, đặt trên bệ gỗ. Bà Sa Lãng hiển linh được nhân dân tôn vinh là Thánh mẫu. Người nghệ nhân đã dồn trí tuệ chạm hình Nữ tướng Sa Lãng rất cách điệu nhằm nâng tầm nhân vật thoát khỏi hình ảnh đời thường, trở nên thánh thiện. Nữ tướng linh thiêng hoá thành Thánh mẫu ung dung ngồi võng đào, đầu đội mũ thần võ, có hoa sen cách điệu rất hài hoà, một tay cầm viên ngọc và quạt lông, tay kia tỳ vào gối thoải mái,  nét mặt đôn hậu, tin thông, mắt nhìn xa xăm, áo choàng buông nhẹ ba lớp, mềm mại như mây vờn, sóng lượn.  Hai bên là 14 nữ nhi dáng hình thon thả, mỗi người một việc nhịp nhàng. Phía trên là hai người che tàn, hai người quạt mát. Bên phải một cô dâng nước, bên trái một cô dâng trầu, bên cạnh là hai cô dâng hoa, quả, mặt ai cũng xinh tươi, vui vẻ. Đặc biệt là cảnh hoà tấu đàn ca của phường ca nhi như ở cung đình. Bên này nhạc công đang thả hồn gảy đàn bầu, đối diện là người thổi sáo phía. Người vỗ trống cơm hoà với tiếng đàn bầu, tiếng sáo ngân lên như tiếng tơ tiếng trúc. Ở giữa có một nàng ca kỹ đang say sưa hát ca trù. Phía dưới là lư hương toả khói nhang trầm huyền ảo. Tất cả tạo thành một khung cảnh sinh động, đầm ấm như cõi tiên. Phù điêu được sơn son thếp vàng và đặt trong khám thờ hình vuông, vách trong là hình mặt trời, biểu trưng của vũ trụ. Hai bên thành khám chạm rồng chầu mặt nguyệt, phượng cắp đồ thư, rùa đội bông sen… Bức phù điêu và khám thờ là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 19.

Đền Nhà Bà hiện còn bảo lưu được 8 đạo sắc phong của các triều vua thời nhà Nguyễn: Minh Mệnh thứ 2 (1821), Thiệu trị thứ 4 (1844), Tự Đức thứ 3 (1850), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).

Trong đền còn có bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Mỹ tục khả phong 美俗可風” (Phong tục tốt đẹp đáng làm khuôn mẫu) do vua Tự Đức ban tặng dân làng vào năm 1883 để nghi nhận làng có phong tục đẹp đáng trân trọng. Một bộ kiệu bát cống mui luyện đồ sộ có niên đại thời Nguyễn và nhiều di vật có giá trị khác.

Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Bà Sa Lãng, cũng là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp.

Lễ hội đền Bà Sa Lãng có quy mô hội vùng, là lễ hội lớn nhất của Đan Phượng hiện nay. Hội đền Sa Lãng do nhân dân hai xã Liên Hà và Liên Trung đồng tổ chức. Lễ hội diễn ra vào các ngày mùng 7, 8, 9 tháng 3 âm lịch hàng năm, hội chính là ngày mùng 8/3, cứ 5 năm lại mở hội to một lần. Lễ hội ở đền Sa Lãng bao gồm nhiều lễ nghi như Tế thần, rước nước, rước sắc, rước kiệu và các trò Nghiềm quân, bơi chải, cờ người, chọi gà… Theo cổ lệ, từ ngày 23/2 âm lịch dân làng đã bắt tay vào chuẩn bị lễ hội. Chức dịch trong xã cho mời ông truởng thợ Dày, hội đồng kỳ mục và đại diện các làng, các phe giáp… họp tại đình Dày bàn việc tổ chức lễ hội. Sau đó cử ban khánh tiết và và phân bổ cho các làng số người tham gia tế, hàng đô, nhạc lễ…

Ngày hội chính diễn ra cuộc rước lớn từ đền Sa Lãng xuống đình chợ Dày. Đám rước diễu hành trên đê sông Hồng rất đông vui. Các chức sắc trong làng xã nghênh bức phù điêu thánh mẫu từ trong khám thờ chuyển lên kiệu lớn nhất hình mui luyện, buông rèm gấm thêu kín ba mặt tầng trên của kiệu. Hai tư đô tuỳ là nữ mặc áo trắng quần đen, đầu và lưng quấn khăn đỏ khiêng kiệu. Đi bên cạnh có hai tư đô tuỳ dự phòng để khiêng thay, bốn người vác tàn, lọng che mát hai bên kiệu. Đi đầu đoàn rước là hàng cờ ngũ sắc bay phấp phới. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và vang động một vùng, người người đổ ra đường chật cả bờ đê. Tiếp đến là hương án trên đặt hương, hoa quả do 4 người khiêng. Theo sau kiệu là giá văn sơn son thiếp vàng lộng lẫy, do 8 người đô tuỳ đảm nhiệm. Điểm giữa các kiệu là hai hàng binh khí, bát bửu, cờ lệnh, người vác mặc áo nâu, khí thế ngất trời. Tiếp đến là kiệu võng đào chạm hình 4 con rồng đang bay lên do 8 nữ nhi khiêng. Võng là tấm gấm thêu kim tuyến lấp lánh sắc màu. Theo là kiệu mui luyện lớn, có tới 24 người, dáng hùng dũng và uy nghi. Người dự hội liên tưởng như có nữ tướng Sa Lãng lúc ngự trên kiệu, khi xuống võng đào. Cả đoàn quân hoành tráng tiến về tụ nghĩa ở Hát Môn. Đi sau kiệu lớn là các quan viên, bô lão, dân chúng nối nhau vào đám rước mỗi lúc một đông. Đoàn rước dừng lại ở trước những cổng làng, ngõ xóm có đặt bàn lễ bái vọng. Bàn bái vọng trang trí đẹp mắt với đủ hương hoa, đồ thờ, cây bông… do dân chúng chuẩn bị sẵn. Đám rước như con rồng khổng lồ, chậm bước trên đê sông Hồng uốn lượn, đi đến sẩm tối mới đến cổng đình chợ. Nhân dân nô nức thắp đèn, đốt đuốc đứng hai bên đường đón đoàn rước thành hoàng vào đình. Buổi tối có hát ca trù hầu thánh mẫu.

Điều đặc biệt ở hội đình Dày là tục rước sắc. Ngày xưa, mỗi làng xây một nhà thờ vọng thủ đặt ở giữa làng để trông giữ sắc phong của thánh. Đó là niềm vinh hạnh cho cả làng, bởi có quan niệm rằng năm ấy được hầu thánh, dân tình  làm ăn sẽ thịnh đạt hơn.

Đám rước sắc về làng, người người hồ hởi trải chiếu hoa suốt từ làng đến nhà vọng thủ. hai bên đường cắm những cây bông, cây lộc, nhiều con giống chim, cá, ếch, nhái đan bằng tre, giang nhuộm phẩm xanh, đỏ treo dọc đường đi từ cây bông này đến cây bông khác trông rất đẹp mắt. Đó là biểu hiện của sự phồn thịnh, cầu mong mưa thuận gió hào, vạn vật sinh sôi, đâm hoa kết trái. Đó cũng là nét văn hoá đặc trưng của cư dân nông nghiệp cổ truyền. Đêm về, khi nhà vọng thủ sang đèn tế lễ yên vị, mọi người như cảm thấy sự yên ổn và hi vọng sẽ làm ăn phát đạt.

Hội đền Sa Lãng từ xưa thường tổ chức diễn trò Nghiềm quân độc đáo. Chiều mùng 7 diễn ra cuộc nghiềm quân tại đình Dày. Đây chính là cuộc tổng duyệt, kiểm tra, thi tài các lực lượng tham gia lễ hội, cũng là biểu dương sức mạnh của nghĩa quân Sa Lãng lúc đương thời. Tiết mục đầu tiên là duyệt đánh trống cái. Một trống lớn do 2 người khiêng đứng giữa sân đình. Bốn thôn: Thượng Thôn, Đoài Quý, Trung Thôn, Hạ Thôn, mỗi thôn cử một người dự thi đánh trống, người vào đánh trống được ưu tiên cho thôn đăng cai lễ hội. Có một ban giám khảo chấm điểm. Người thi đánh trống mặc áo the, khăn xếp, thắt lưng đỏ, đi một vòng vào sân theo hướng “xuất Đông, nhập Tây” theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, dõng dạc đánh ba hồi, ba tiếng trống. Không khí lễ hội trang nghiêm, chỉ nghe những tiếng trống đổ hồi giục giã. Lần lượt bốn người thi nhau đánh trống xong, ban giám khảo chấm giải, thưởng cho cơi trầu có 12 miếng cau tươi. Người nhận thưởng coi như được ân phúc lớn.

Cuộc thi duyệt trống cái mở đầu trò Nghiềm quân ở hội đền Sa Lãng. Chắc hẳn trong tâm thức người xưa muốn mô phỏng tiếng trống trận oai hùng buổi xuất quân của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi quân thù. Trò “nghiềm quân” chính là sự đan xen các lớp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội thờ cúng vị thành hoàng của người dân Hạ Trì, gắn với khát vọng cầu mưa của cư dân nông nghiệp và tín ngưỡng thờ thần mặt trời.

 Tiếp theo là cuộc thi trống dờn. Cũng 4 đội thi, mỗi đội 10 người, 6 trống, 1 thanh la, 1 trống khẩu và 1 trống cơm. Đội trống đi hàng hai, từ trong đình ra theo chữ nhị. Đến giữa sân người dự thi lắng nghe tiếng trống khẩu, nhảy đều 1 bước sang hai bên, hướng mặt vào trong đình.

Phần thứ hai cuộc nghiềm quân là các lực lượng đô tuỳ khiêng kiệu. Một kiệu lớn mui luyện ba tầng do 24 đô tuỳ nghênh giá, 5 kiệu giá văn kiểu bát cống và 1 kiệu võng đào do 8 người đảm nhiệm. Đoàn người che tàn, vác lọng, binh khí, bát bửu… khoảng trên 200 người, ăn mặc chỉnh tề khiêng kiệu từ sân đình lên mặt đê rồi trở xuống đặt đúng vị trí trước sân đình. Buổi tối có  hát ca trù hầu thánh ở đình Dày và trước đền nhưng tuyệt đối không được hát chèo ở trước cửa đền và đình. Nếu có thì diễn ở phía sau hoặc bên ngoài, vì dân gian quan niệm như thế mới đảm bảo tính nghiêm túc trong những ngày hội.

Lễ hội đền Sa Lãng năm nào cũng có hội bơi chải. Khúc sông Hồng trước cửa đình chợ Dày là địa điểm diễn ra hội bơi thi, thu hút rất đông người xem. Trước hội, mỗi làng chuẩn bị một thuyền nan dài 6m để dự thi và một thuyền để chèn phá đội bạn, thuyền thi 6 người gồm một người lái ở phía đuôi thuyền, một người bơi chèo ở phía mũi thuyền, hai người bơi hai bên, một người đánh trống khẩu thúc giục và một người gõ thanh la vừa phất cờ đuôi nheo cổ vũ.

Người bơi là những nam, nữ thanh niên khỏe mạnh, mặc áo đồng phục của đội mình, đầu chít khăn đỏ. Nhịp điệu bơi chải hối hả theo tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng hô chỉ huy và đặc biệt là tiếng hò reo cổ vũ của bà con dân làng đứng bên bờ. Những mái chèo đẩy mạnh nước và đúng tiếng, dồn dập và mau dần khi thuyền lao tới đích. Cuộc thi diễn ra hào hứng, sôi nổi, được người xem cổ vũ rất nhiệt tình. Trên sông, từng nhóm người cổ vũ với tiếng chiêng trống, thanh la, cờ, quạt rực rỡ một góc sông. Có lẽ hấp dẫn và thu hút người xem nhất chính là hội thi bơi này. Bởi ở đó thể hiện rõ tinh thần dân tộc, sự đoàn kết cộng đồng và đặc biệt là sức mạnh tập thể tạo nên chiến thắng. Và đây cũng là dịp để người dân vui chơi giải trí, tạm gác đi những lo toan cuộc sống để thư giãn, vui với nhũng trò chơi dân dã, để cho lòng người thanh thản, tìm về với đời sống của ông cha, tìm về với cội nguồn của dân tộc.

Giải nhất trao cho thuyền về đích trước tiên và an toàn. Phần thưởng. chỉ là những hiện vật có giá trị vật chất nhỏ nhưng tiếng thơm lan truyền đội nhất, nhì… là niềm vui, là vinh hạnh cho cả làng.

Thi bơi trải hội đền Sa Lãng là tái hiện một phần cảnh trẩy quân trên thuyền của nữ tướng ngược sông Hồng theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc, cũng là sự rèn luyện sức khỏe người dân vùng sông nước để chống chọi với thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của dân làng.

Ngoài ra, hội đền Sa Lãng còn có đấu vật, đánh cờ người, thổi cơm thi trên cạn… nhưng có lẽ hội bơi trải là náo nhiệt nhất, hối hả nhất bởi nó gắn bó với sự tích vị thành hoàng và đời sống của nhân dân địa phương.

Trong lễ hội đền Sa Lãng, có thể thẩy rất nhiều tín ngưỡng khác nhau cùng đan xen và tồn tại. Đó là tín ngưỡng sung bái tự nhiên (thờ nước, Mặt trời), tín ngưỡng sùng bái các anh hùng dân tộc, tôn sùng Mẫu, thờ thành hoàng… Trong lễ hội có đua thuyền, một trong những hoạt động chính của lễ hội, đó có thể coi là hoạt động trung tâm thu hút sự tham gia và quan tâm của mọi người. Trò nghiềm quân có thể là hoạt động mô phỏng cảnh dàn quân, trẩy quân của nữ tướng khi tham gia đánh giặc, chống quân xâm lược nhà Hán. Bà Sa Lãng còn được tôn thờ như Thánh Mẫu ung dung ngồi trên võng đào, khuôn mặt hiền từ, nhân hậu… Đình Dày là nơi thờ vọng nữ tướng đuợc nhân dân tôn kính coi bà là thành hoàng, bảo trợ cho cuộc sống bình yên của dân làng.

Như vậy, có thể thấy nhiều lớp tín ngưỡng khác nhau đan cài trong một lễ hội. Đây là một hiện tượng khá phổ biến, mang đặc điểm chung của tín ngưỡng Việt Nam, đó là tính đa thần, có tính đan xen hỗn dung. Ở đền Nhà Bà có tính trội của yếu tố nữ (thờ nữ thần), sự chồng xếp các tín ngưỡng với các lớp trầm tích đan xen…

Đền Nhà Bà là di tích nằm trên vùng đất Hà Trì xưa, địa danh giàu truyền thống lịch sử và văn hoá. Nhân vật được thờ là người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Bên cạnh những giá trị lịch sử, di tích nằm trên một địa thế có không gian và cảnh quan thiên nhiên đẹp, trang nghiêm  linh thiêng. Các di vật, cổ vật ở đền là những tài sản có giá trị để khẳng định vị thế của ngôi đền trong hệ thống di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Đồng thời là nguồn tài liệu phong phú giúp tìm hiểu rõ hơn về địa danh, con người và những phong tục tập quán vùng Hạ Trì xưa kia. Lễ hội truyền thống ở đền Nhà Bà với những hoạt động phong phú, đậm chất dân gian là nguồn di sản phi vật thể quý giá vẫn đang được bảo tồn và phát huy giá trị góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Di tích đền bà Sa Lãng (đền Nhà Bà) đã được Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố tại quyết định số 43/QĐ-UB ngày 06/02/1979.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top