Miếu Voi Phục và lăng Văn Sơn nằm ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Xã Tân Hội xưa là Gối Thượng. Thời thượng cổ vùng này gọi là đất Cối Sơn, vốn là vùng sình lầy cỏ hoang, muôn thú đầy đồng. Đây cũng là vùng đất nhiều đầm trũng, ao chuôm vì gần sông Hồng, sông Nhuệ. Vào khoảng thế kỷ XVI Gối Thượng được thành lập gồm bốn làng: Vĩnh Kỳ, Thúy Hội, Thượng Hội và Phan Long (nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng). Địa bàn này có dòng sông Nhuệ chảy qua. Miếu Voi Phục được xây dựng ở trung tâm làng Thượng Hội. Lăng Văn Sơn được xây dựng ngoài đồng, ở phía Đông nam của làng, cách làng khoảng hơn 100m theo đường chim bay.

Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn - Ảnh 1

Lăng Văn Sơn (ảnh: Đức Thuận)

Theo các tư liệu thành văn hiện lưu giữ tại miếu Voi Phục còn lưu giữ 40 đạo sắc phong, hàng chục đôi câu đối, bài trâm, hoành phi và văn tế; theo truyền thuyết của nhân dân địa phương thì miếu Voi Phục được xây dựng từ lâu đời để thờ thành hoàng tên là Văn Dĩ Thành. Các nguồn tư liệu, truyền thuyết và lời ca hát chèo Tàu đều đề cập tới một niên đại cần lưu ý: Văn Dĩ Thành sống vào đời Trần Trùng Quang (1409 - 1414).

Một bài hát chèo Tàu ở lăng Văn Sơn có đoạn:

                   Trùng Quang kể tự đời Trần

                   Đại vương hiển tích võ văn kiêm toàn

                   Truyền kỳ ghi chép như in

                   Lời nghiêm lục ước lệnh truyền Dạ xoa

Có người cho rằng “truyền kỳ” nói trên có thể là tên sách “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ (Nhà xuất bản Văn hoá, HN, 1975) trong đó có nói tới “Tướng Dạ xoa” - Hiện thân một nhân vật cổ tích, khi mất được Diêm Vương phong tước.

Khảo sát tại di tích miếu Voi Phục và lăng mộ Văn Dĩ Thành, chúng tôi thấy nhân vật Văn Dĩ Thành và tướng Dạ Xoa trong Truyền lỳ mạn lục là khác nhau. Người làng Thượng Hội nhận rằng ông sinh trưởng ở nơi đây. Ông được cha mẹ chăm sóc nuôi dạy, từ nhỏ đã thông minh, tuấn tú. Một hôm ông đi học về gặp trời mưa to và mất, mối đùn lên thành gò, chỗ đó là lăng Văn Sơn. Nhưng trong miếu Voi Phục thì hoành phi, câu đối, sắc phong… lại cho ông là một nhân thần - Một nhân vật lịch sử sống vào thời hậu Trần – vua Trần Trùng Quang.

Văn tế (bằng chữ Hán) tế Văn Dĩ Thành ngày hoá 12 tháng 3 Âm lịch có đoạn: “Đại Vương linh vạn cổ, sắc quyết sơ chi hiển thánh, nhất kiếm nhi quần yên thanh, lục ước nhi quần sinh hoạt, sơ vị ngự đại tai nhi hãn đại hoạn giả, cố châu tiên bỉ kỳ linh quang, ký nhi Hắc Y binh bộ sở vi kỳ sinh…”

Lại thêm tư liệu về sáu lời thề và quân trang màu đen và những câu đối khẳng định Văn Dĩ Thành là một vị tướng:

          Tích hiển Cối Sơn nhất kiếm thanh yên chương đại đức

          Từ lâm Nhuệ thuỷ tứ dân đồng phục lại hồng hưu

Dịch nghĩa:

          Dựng nghiệp từ Cối Sơn, thanh kiếm trừ yên nêu đức lớn

          Bên bờ sông Nhuệ, dân bốn làng phụng sự uy nghiêm

Và còn đây:

          Nhuệ thuỷ chi tây xích tử tứ dân mông thánh trạch

          Trường giang dĩ bắc Hắc Y nhất bộ đại thiên công

Dịch nghĩa:

          Phía Tây bờ sông Nhuệ  con em bốn làng đều mang ơn đức thánh

          Phía Bắc bờ trường giang (chỉ sông Hồng) có vị tướng MẶC ÁO GIÁP ĐEN dựng nghiệp non sông.

Trong số 40 đạo sắc, sớm nhất là Vĩnh Tộ nhị niên (1620), Đức Long nguyên niên (1629), Quang Trung ngũ niên (1792)… đều ca ngợi Văn Dĩ Thành những mỹ tự cao quí: “Trợ thắng uy dũng”, “Hiền liệt chiêu ứng”, “Hộ quốc tý dân”… không rõ lý do gì hiện trong đền Voi Phục không còn lưu giữ được bản thần phả nhưng những tư liệu trên đều coi Văn Dĩ Thành là nhân thần đã đứng lên theo vua Trần Trùng Quang. Theo “Đại việt sử ký toàn thư” thì Trùng Quang Đế tên huý là Trần Quý Khoáng, con thứ của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội vua Trần Duệ Tông, cháu gọi Giản Định Đế bằng chú. Trùng Quang Đế là quí tộc yêu nước thuộc dòng dõi nhà Trần. Trước nạn xâm lăng của nhà Minh, ông xưng Đế, dựng cờ khởi nghĩa, mục tiêu là đánh đuổi quân Minh giành lại độc lập, khôi phục triều Trần. Từ năm 1409 đến năm 1413, cuộc khởi nghĩa đã tập hợp được nhiều quí tộc, quan lại yêu nước và nhân dân tham gia. Địa bàn hoạt động từ Thanh Hoá trở vào và có lúc mở nhiều cuộc tấn công ra Bắc.

Trong tâm thức của người dân kẻ Gối xưa kia và Tân Hội ngày nay, Văn Dĩ Thành là một vị tướng đã theo Trùng Quang Đế: “Trùng Quang kể tự đời Trần / Đại vương hiển tích võ văn kiêm toàn”. Trong cuộc khởi nghĩa này ông được Trùng Quang Đế (Trần Quí Khoáng) giao cho chỉ huy một đạo quân đánh đường bộ. Ông và đạo quân này đều mặc quần áo màu đen. Sáu lời thề (Lục điều) nói trên theo truyền khẩu trong nhân dân  đến tận ngày nay là

                   Một là thóc gạo phải nhiều

                   Hai là vũ khí phải đeo bên mình

                   Ba là quyết đánh quân Minh

                   Bốn là chăm chỉ học hành binh thư

                   Năm là không chuyện thiên hồ

                   Để lộ bí mật quân cơ của mình

                   Sáu là tướng sĩ quây quần.

Cũng theo truyền thuyết của nhân dân địa phương Văn Dĩ Thành đã lập đồn dinh ở cánh đồng phía Đông Nam làng Thượng Hội, nhân dân vẫn gọi là cánh đồng Dinh. Từ đây ông đã mở những cuộc tấn công. Dựa vào địa thế hai mặt đều có sông – sông Nhuệ và sông Hồng, nghĩa quân đã làm cho quân địch nhiều trận đại bại. Một hôm, nhằm vào lúc gần giờ Tý (gần nửa đêm) đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng 3, giặc tập kích bất ngờ. Quân ta chống cự không nổi, ông đã anh dũng hy sinh. Ngay chỗ ông nằm xuống mối xông thành nấm mộ, nhân dân gọi là lăng Văn Sơn.

Không thấy sử sách ghi chép nhân vật lịch sử Văn Dĩ Thành với cánh quân mặc “áo đen”. Nhưng vào năm 1410 cũng thời Trùng Quang Đế, ở Thái Nguyên có đội quân “áo đỏ” đã chiến đấu ở vùng rừng núi rất ác liệt. Thời gian này đội quân “Bạch y” hoạt động ở Phú Thọ, “Hồng y” hoạt động ở Kinh Bắc, Thanh y ở Hà Nam… đó cũng là thời điểm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta ở khắp nơi vùng dậy chống giặc Minh. Tháng 11 năm Qúy Tỵ (1413), Trùng Quang Đế trước chiến cuộc không cân sức, ông bị giặc bắt sống. Tháng 4 năm Giáp Ngọ (1414) ông bị tổng binh Trương Phụ ép giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Nửa đường Trùng Quang Đế gieo mình xuống sông tự tử. Nguyễn Xuý bị bắt theo cùng đã dùng bàn cờ trên thuyền đánh chết tên chỉ huy coi giữ thuyền rồi cũng nhảy xuống sông tự tử. Quốc thống từ đây lại thuộc về nhà Minh.

Lăng Văn Sơn nơi yên nghỉ của danh tướng Văn Dĩ Thành được trở thành điểm thiêng của tổng Gối. Không biết từ bao giờ người tổng Gối sáng tạo được một loại hình hát dân ca độc đáo gọi là hát chèo Tàu để tưởng nhớ công lao Văn Dĩ Thành. Hát chèo Tàu được người xưa – cho đến tận ngày nay vẫn dùng “phương tiện” là hai con voi (tượng) và hai chiến thuyền (tàu) bằng gỗ trang trí vẽ hoa văn sóng nước quanh sườn thuyền… Họ đứng trong thuyền, múa hát cạnh voi. Vào những năm định kỳ tại lăng mộ Văn Dĩ Thành hát dân ca nghi lễ thờ thần của cả bốn thôn Thượng Hội, Thúy Hội, Phan Long và Vĩnh Kỳ đều được tổ chức tại đây. Lề lối ca hát được quy định chặt chẽ: Lễ trình, dâng hương, dâng rượu, bài Tàu, bài Tượng, bài hát Lý… Những lời ca của cái Tàu, con Tàu, quản tượng nhiều đoạn ca ngợi Văn Dĩ Thành:

                   … Phụng nghinh thánh giá đã yên

                   Lại nghinh tự điển dâng lên miếu đường

                   Y quan tế tế dương dương

                   Cổ chung quân khánh chương chương hoàng hoàng

                   Phong công vĩ tích huy hoàng

                   Nước non hoa cổn nét vàng không phai

Và như vậy, ít nhất vào thời Lê (đầu thế kỷ XVII ) với những đạo sắc phong của triều đình, nhân vật lịch sử Văn Dĩ Thành đã trở thành Thành hoàng làng. Việc cúng lễ, mở hội, hát chèo Tàu mang màu sắc dân ca nghi lễ ít nhất cũng đã ra đời từ đó. Hát chèo Tàu đã trở thành một thể loại hát dân ca độc đáo ở đồng bằng Bắc bộ.

Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn - Ảnh 2

Hội hát chèo Tàu ở Tân Hội (ảnh Minh Tâm)

Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn là những di tích đến nay vẫn giữ được vẻ cổ kính của người xưa để lại. Gọi là miếu Voi Phục vì ở cổng miếu từ cổ xưa cổ nhân đã đắp một đôi voi ở tư thế nằm phủ phục chầu vào cổng miếu. Đất này xưa gọi là Cối Sơn. Năm 1569, Trịnh Cối lên ngôi chúa. Vì kiêng tên chúa Trịnh, Cối Sơn đổi thành Gối Thượng gồm bốn làng nói trên. Nhìn tổng thể, miếu Voi Phục được xây dựng với qui mô to lớn theo kiểu chữ “Công”, bao gồm đại bái, trung cung, tiền tế và hậu cung. Phía bên ngoài miếu là hệ thống cột trụ tường bao, trong sân có nhà hữu mạc, bình phong, non bộ… cho nên so với quanh vùng, đây là một công trình kiến trúc cổ giữ được quy mô to lớn.

Miếu Voi Phục được xây dựng gần bờ sông Nhuệ. Người xưa tự hào đã viết đôi câu đối:

          Cố trạch tảo hoa lâm vũ tạp

          Trường giang vân nguyệt ủng khoa trang

Tạm dịch:

          Nhà xưa hoa cỏ thường xanh tốt

          Sông dài trăng nước đẹp khang trang

Về nội thất toà đại bái được kiến trúc theo hình thức bốn hàng chân gỗ  với vì nóc kiểu chồng rường, bên trong toà đại bái có năm bức hoành phi, tám đôi câu đối, phần lớn là sơn mài, khảm trai hoặc thếp vàng ca ngợi công lao đức thánh. Tiền tế cùng với trung và hậu cung tạo thành lối kiến trúc kiểu chữ “công”. Những hạng mục kiến trúc này được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVII). Đáng chú ý ở toà Tiền tế cổ nhân đã bài trí 4 pho tượng gỗ, mỗi pho cao1,63m. Các pho tượng này đều được tạc kiểu võ quan, tay cầm binh khí (gươm giáo và voi)      . Ở đây cũng còn 01 quả chuông đúc năm Gia Long thứ 18 (1819) mỗi khi hành lễ, thủ từ rung gõ chuông này.

Lăng mộ tướng công Văn Dĩ Thành được xây dựng trên cánh đồng Dinh. Nhìn từ xa lăng mộ như một quả gò. Cảm phục trước công lao tướng công Văn Dĩ Thành, năm 1942 gia đình cụ Phạm Đình Tĩnh đã hưng công cùng dân làng tu sửa lăng với hệ thống cột trụ, tường bao, am thờ, tượng lính hầu và xây mộ.

Trên lăng, phần cuối là am thờ thánh, được xây dựng theo kiểu cuốn vòm hai tầng tám mái. Phần cổ diêm đắp nổi hai chữ “Văn Sơn”.  Tại đây ngày hội làng những lời ca của điệu hát chèo Tàu lại vang lên.

Một không khí hội xuân đặc biệt: Văn hoá dân gian, dân ca nghi lễ hát chèo Tàu duy nhất có ở di tích này đã góp phần tạo nên giá trị nổi bật của Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Công Tính - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top