Đình Đại Phùng xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng lưu giữ nhiều mảng trạm khắc gỗ thể hiện các trò vui, những sinh hoạt văn hóa của ông cha ta từ xa xưa. Theo niên đại xây dựng và đặc điểm kiến trúc, đình Đại Phùng có từ thế kỷ thứ XVII (đời hậu Lê). Khi đất nước trở lại yên bình sau nhiều năm binh lửa, văn hóa dân tộc được phục hưng, nhân dân tưng bừng mở hội. Làng xã nô nức xây dựng những ngôi đình lớn. Người nghệ nhân chạm gỗ khéo đưa những cảnh sinh hoạt của xã hội đương thời, nhất là những cảnh vui xuân tạc vào nội thất ngôi đình.

Cảnh vui xuân trên các bức chạm gỗ đình Phùng - Ảnh 1

Bức chạm nhạc công đàn Đáy ở đình Đại Phùng

Bước vào đình, ngước lên phía trái, ta bắt gặp ngay cảnh một ngày hội xuân tưng bừng náo nhiệt, cờ mở trống dong. Cảnh vui chơi được nghệ nhân tạo tác trên thân đầu bẩy. Hình tượng cô gái hát chèo, hai tay xèo quạt ngang ngực, đầu chít khăn vuông, áo tứ thân tha thướt. Bên cạnh là một chàng trai khỏe mạnh đá cầu, một chân đá phắt quả cầu, cánh tay vươn thẳng về phía trước, sinh động và đẹp mắt. Một bên là cụ già chống gậy lom khom bước ra xem hội, khiến ta liên tưởng tới nhân vật “lão say” trong tích trò chèo cổ. Phía bên kia cảnh hai ông già ngồi uống rượu say túy lúy, chân bắt chữ ngũ, tay chạm vào nhau, đầu lắc lư như vui mừng tán thưởng trò diễn của người trong hội. Đất quê Phùng xưa nổi tiếng những lò vật, truyền thống thượng võ được thể hiện phong phú trên các bức chạm gỗ ở đình Phùng. Ba keo vật ở ba tư thế khác nhau. Phía bên dưới là bức mô tả hai đô vật ở thế xe đài, bắt tay nhau vào trận đấu. Bức chạm bên trái, trên tận đỉnh cột đình là keo vật ở thế giằng co quyết liệt. Hai ông đô đóng khố to khỏe, giành giật nhau tranh phần thắng. Ở một đầu bẩy gian giữa lại có keo vật đang nắm khố nhau, chưa phân thắng bại. Xung quanh chạm hai đường diềm hình hoa bốn cánh, tôn thêm vẻ đẹp của bức phù điêu.

Cảnh vui xuân trên các bức chạm gỗ đình Phùng - Ảnh 2

Bức chạm "Đấu vật", đình Đại Phùng

Thật thích thú khi ngắm nhìn những bức chạm gỗ ở đình Phùng. Xung quanh trò diễn là cảnh người xem hội. Một bức chạm  đặc tả đôi trai gái đứng tự tình, anh con trai mình trần một tay khoác vai cô con gái. Cô gái mặc váy, tóc buông dài. Anh con trai thò tay vào bên trong giải yếm cô con gái. Ông cha ta ngày xưa hóm hỉnh biết bao. Lại có bức chạm ở đầu dư vì kèo gian giữa mới thật độc đáo. Khối tròn hình búp hoa đặc tả hai cô thôn nữ nửa kín, nửa hở đang tắm ở ao sen (trước cửa đình có một ao sen). Một cô lộ cả hai bầu vú căng tròn, người ẩn trong vòm sen. Một cô đang “tắm tiên” tay ngắt cánh lá sen khéo che nửa thân mình phần dưới. Phía trên là các cụ già làng với thú vui uống rượu thưởng hoa, thưởng cả vẻ đẹp tuyệt vời là “hoa của đất” . Bên cạnh là một con chó, vật nuôi quen thuộc ở mỗi gia đình đang quấn quýt mừng vui. Phía bên kia có con mèo ngoạm cá. Cảnh, vật, con người mừng vui nơi thôn dã, pha chút nghịch ngợm, dí dỏm.

Cảnh vui xuân trên các bức chạm gỗ đình Phùng - Ảnh 3

Bức chạm "Tắm tiên", đình Đại Phùng

Cảm ơn các cụ nghệ nhân xưa, với bàn tay khéo léo biến từng thớ gỗ thành những cảnh sinh hoạt, vui xuân. Giúp chúng ta hiểu được một phần nét văn hóa dân gian của ông cha ta hàng mấy thế kỷ.

Minh Nhương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top