Từ Thủ đô Hà Nội theo đường 32 đi thành cổ Sơn Tây, qua Thị trấn Phùng (huyện lỵ Đan Phượng), rẽ tay phải là đến Đình Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phương, Hà Nội
Ngôi đình khang trang, bề thế, cổ kính có từ thời hậu Lê ( thế kỉ XVII) tạo lạc ở đầu làng, hướng về phía sông Đáy cổ và núi Tản Viên. Bên trái là ngôi chùa “Tam Giáo” và xóm làng trù phú bao quanh
Đình Đại Phùng phối thờ hai vị thần là Tích Lịch Hòa Quang và danh tướng Vũ Hùng.
Tích Lịch Hỏa Quang là thiên thần (một trong vị thần tứ pháp: Mây –Mưa - Sấm - Chớp). Vị thần được cả tổng Phùng xưa (8 làng) tôn thờ thành hoàng (Đại Phùng, Phượng Trì, Đông Khê, Đoài Khê, Tháp Thượng, Thụy Ứng,Thu Quế và Thuận Thượng).
Vị thứ hai là nhân thần, hoàng làng riêng của Đại Phùng, Ngài là danh tướng Vũ Hùng, sinh ngày 18 tháng giêng năm Nhân Thân thời vua Trần Hiển Tông. Khi ngài sinh ra đã có dáng hình kỳ vĩ, sau lưng có đường chàm đỏ chia hình 4 ngả nên có tên tục là Bốn, tên hiệu là Vũ Hùng.
Cuối đời Trần có bọn rợ Cao thường về mạn Tây kinh thành Thăng Long quấy nhiễu, cướp bóc của cải của dân chúng. Vua Trần Nghệ Tông xuống chiếu kêu gọi nhân tài, Vũ Hùng đang độ thanh xuân có thiên tư đĩnh ngộ, diện mạo khôi ngô, thông tuệ binh pháp… được nhà vua trao cho chức thống lĩnh trung quân, khiển tướng điều binh đi đánh giặc.
Tướng Vũ Hùng dừng chân lập đồn sở ở trang Đại Phùng được nhân dân đồng lòng giúp sức nên đại bản doanh ngày cằng vững chắc. Đến nay xung quanh đình còn các địa danh như: Ao đồn, xóm Nha Môn, ngõ Phủ, xóm Cừ…
Một lần, Vũ Hùng dẫn quân thủy bộ ra cửa sông Hát tiến thẳng vào sào huyệt của bọn rợ Cao. Hôm ấy, gió sông thổi mạnh đoàn thuyền lướt nhanh như tên bắn. Quân giặc bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp thua chạy tan tác rồi phải quy hàng. Quân tướng Vũ Hùng toàn thắng, thuận dòng sông lớn về kinh sư báo tiệp. Vua Nghệ Tông mững rỡ thân chinh ra tận ngoài thành đón đoàn quân thắng trận và mở tiệc khao thưởng. Vũ Hùng được thăng chức Đô Đại Ngự Sử, ở lại kinh thành.
Sau khi ông mất được phong: “ Trần Triều Trung Quân Ngã Bốn Vũ Hùng Đại Vương”. Dân làng Đại Phùng đến kinh thành rước duệ hiệu về lập đền thờ, hương khói muôn đời. Ngày đản sinh 18 tháng giêng, xưa kia thường dâng lễ gồm: Trâu, bò, lợn, xôi, rượu…và trình diễn các trò chơi, múa hát. Ngày hóa của ngài 18 tháng 11 dâng lễ chỉ có trầu cau, hương hoa tinh khiết.
Theo lời thần phả thì đình Đại Phùng có từ thời Trần, song hiện nay kiến trúc nghệ thuật mang niên đại từ thế kỷ XVII, XVIII, XI và cả XX. Ta có thể nhận dạng ngôi đình được làm quy mô lớn, trang trí đẹp vào thế kỷ XVII (ngôi đại đình). Sang thế kỷ XVIII, XIX làm thêm tiền tế và hậu cung… nhiều lần tu bổ thêm.
Giá trị đặc biệt về kiến trúc đình Đại Phùng là tòa đại đình, hình chữ nhất được làm hoàn toàn bằng gỗ xoan, hàng cột cái to lớn , người ôm không xuể. Đặc biệt là các mảng chạm khắc gỗ phản ánh sinh hoạt của xã hội đương thời. Tiêu biểu là mô típ trang trí hoạt cảnh “Vinh quy bái tổ”. Đám rước về làng có cảnh ca công của lối hát ca trù truyền thống, các bức diễn tả hội làng đông vui với nhiều trò diễn xướng, trò chơi như: Đấu vật, đá cầu… Đặc sắc là các cảnh : Trai gái tình tự, tiên tắm đầm sen, uống rượu, đánh cờ… từ các loài vật linh thiêng như: Rồng, Phượng, Ngựa, Voi đến các con vật gần gũi với người như: Mèo, Thạch Sùng, Chim, Cá… đều được trạm khắc sinh động trong nội thất ngôi đình. Những tác phẩm điêu khắc đồ sộ, hoành tráng trở thành không gian sinh hoạt vui vẻ, gần gũi, đầm ấm của quê hương. Bởi vậy đình Đại Phùng được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận từ năm 1991 và xếp hạng di tích cấp Quốc gia; năm 2019 được công nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đại Phùng còn là một làng văn hiến, nơi đây lưu truyền một kho tàng truyện cười dân gian đặc sắc. Ca dao có câu:
“Đại Phùng nói khoác đổng đời
Phượng Trì nối khố ăn chơi đủ vành…”
Đó là những câu chuyện cười dí dỏm, trào lộng của người dân lao động cần mẫn trên đồng ruộng quê hương. Họ gửi gắm tình yêu làng xóm, ruộng vườn vào ngôi đình cổ kính. Những chuyện: Cây rau dền gốc ở Đại Phùng, ngọn ở chợ Sấu; Cây ớt cao phải bắc thang mới hái được quả; Cái trống đại… nghe qua tưởng như vô lý nhưng giảng giải lại hợp lý hợp tình. Đại Phùng cón có dòng họ Tạ Đăng nổi danh 4 đời khoa bảng lưu danh ở bia Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội.Từ xa xưa, lễ hội đình Đại Phùng được tổ chức mỗi năm ba lần. Ngày 18 tháng Giêng là ngày đản sinh của thánh Vũ Hùng, đây là lễ hội lớn nhất trong năm; thứ hai là ngày 12 tháng 2 tưởng nhớ thần Tích Lịch Hỏa Quang, vị thần hoàng chung của cả Tổng Phùng; lễ thứ ba là ngày 18 tháng 11 kỷ niệm ngày hóa của ngài Vũ Hùng.
Dịp 18 tháng giêng, cả làng Đại Phùng rộn nhịp bước vào hội. Nhà nhà chuẩn bị lễ vật, xóm làng thu dọn sạch đẹp. Ban tổ chức lễ thành lập và phân công cho từng bộ phận chuẩn bị các nghi lễ sao cho trang nghiêm thành kính bày tỏ lòng ngưỡng mộ và nhớ ơn công đức của Thành hoàng. Phần hội tạo không khí vui tươi đoàn kết, các trò vui phong phú, không gian mở rộng.
Trước cửa đình treo cao lá cờ ngũ sắc và cờ Tổ quốc, tiếng chiêng trống rộn ràng. Cảnh vật, con người náo nức đón ngày vui, các xóm ngõ trang trí bàn thờ bái vọng sẵn sàng đón đoàn rước đi qua. Đây là dịp trưng bày, phô diễn những sản vật quý giá của các gia đình qua một năm lao động. Như để trình báo với thần linh thành quả của dân làng. Những bàn thờ, hương án, đồ gỗ quý do bàn tay thợ giỏi làm ra. Các chậu cảnh, cây thế, hoa lá đủ màu sắc của nghề chơi sinh vật cảnh. Rồi mâm ngũ quả: bưởi, chuối, cam… sản vật của “cây nhà lá vườn” đem ra trưng lễ. Đường làng ngõ xóm đông vui, người, xe qua lại dập dìu trẩy hội. Mỗi xóm có những vẻ đẹp khác nhau.
Những năm mở hội lớn, làng Đại Phùng mời các làng trong xã như: Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì… tham gia hội đồng rước. Đoàn rước kiệu của các làng hoành tráng, cờ biển rợp trời, trống chiêng rộn rã. Nam, phụ, lão, ấu đủ các thành phần đoàn thể cùng vào hội. Đám rước lớn xuất phát từ sân đình Đại Phùng, đi qua làng Đông Khê, Đoài Khê vượt lên triền đê, vòng qua chùa Tam Giáo rồi trở về tập kết ở sân đình. Khí thế hùng dũng oai nghiêm của đoàn rước mô phỏng cảnh xuất quân lịch sử năm xưa của tướng Vũ Hùng đánh tan giặc rợ Cao, giành lại thanh bình cho đất nước.
Cuộc hội quân quy mô lớn của lễ hội Đại Phùng cũng là sự biểu dương sức mạnh tổng hợp của con người và cảnh vật nơi đây. Đó là hình ảnh của “nhân khang vật thịnh”. Lễ và hội ở đình Đại Phùng có sự hòa đồng, trong khi ở trong đình diễn ra các tuần tế trang nghiêm thành kính theo nghi thức cổ truyền, thì ở phía ngoài đình diễn ra rất nhiều trò vui náo nhiệt. Ngày xưa còn có trò: đánh đạp, tổ tôm điếm, leo cầu cần, bắt vịt…Ngày nay vẫn duy trì trò chơi thi đấu cờ người, thi thả chim bồ câu…
Đội cờ người luôn được củng cố, bổ sung trước ngày lễ hội. Các xóm tuyển chọn và tiến cử tổng cờ, tướng ông, tướng bà và các quân cờ theo quy định của một ván cờ tướng. Những người tham gia đội cờ có phẩm chất đạo đức, có uy tín trong làng. Tướng cờ, quân cờ đều là những trai thanh, gái lịch son trẻ tung hoành.
Ban tổ chức sắm một bộ quân cờ bằng gỗ tốt, sơn thếp đẹp màu, chạm khắc chữ Hán: Tướng, sỹ, tượng, xe… đủ số quân như bộ cờ tướng. Người đóng các vai ở bàn cờ tự may sắm quần áo, mũ, lọng… màu sắc sặc sỡ.
Trước giờ thi, hai vị tổng cờ dẫn đội quân (36 người) trang nghiêm vào lễ thánh, chân bước theo nhịp trống khẩu. Trở ra đi một vòng chào người xem và giàn thế trận của bàn cờ. Tướng cờ ông và tướng cờ bà ngồi trên bàn, ghế tay ngai, lọng che mát đầu, tư thế oai phong, bao quát thế trận. Quân cờ ngồi ghế dưới sân theo vị trí của luật đấu cờ. Khi người chơi cờ điều quân đi thì người đóng vai quân cờ chuyển động theo. Lúc quân cờ bị loại thì người đóng quân cờ ấy ra khỏi bàn cờ. Có một người đóng vai chú hề vui nhộn, có tài ứng khẩu, vận thơ, ngâm thơ… nội dung phù hợp với đường đi, nước bước của ván cờ. Nhịp trống khẩu luôn thôi thúc, lời lẽ của anh hề trêu ghẹo các đấu thủ, làm cho không khí cuộc chơi sinh động và hấp dẫn…
Lễ hội đình Đại Phùng là dịp bày tỏ lòng nhớ ơn các vị tiền nhân có công với làng với nước. Trưng bày sản vật tiêu biểu của giá trị nhân khang – 'vật thịnh. Đồng thời thỏa mãn sự giao lưu, sáng tạo làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng. Những năm mở hội lớn đạt tiêu chí của hội vùng.
-
Tin tức mới hơn
- Lễ đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng, huyện Đan Phượng 18/04/2021
- Tổ chức khảo sát xây dựng thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Đan Phượng 07/09/2022
- Triển khai mô hình trồng nho kết hợp làm du lịch nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao 07/09/2022
- Du lịch xanh huyện Đan Phượng 22/09/2022
- Đan Phượng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn 02/03/2023 Tin tức cũ hơn
- Chùa Đại Từ Ân 18/12/2020
- Vinhomes Wonder park Đan Phượng 18/12/2020
- Khu Du Lịch Sinh Thái Đan Phượng 18/12/2020
- Điểm du lịch xã Hạ Mỗ 04/02/2021
- Khu sinh thái Đan Phượng (THE PHONEIX GARDEN) 04/02/2021