Chùa Đông Khê tọa lạc giữa làng Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, liền kề với đình và bao đời nay đã trở thành trung tâm văn hóa được dựng lên với mục đích dùng giáo lý của nhà Phật “khuyến thiện, trừng ác”, giáo dục lòng nhân nghĩa cho người dân. Chùa quay theo hướng Tây Nam, bao gồm các hạng mục: Tiền đường và thượng điện song song, nối với nhau bởi ống muống trên mặt bằng chữ công, về phía sau, cân xứng hai bên là các hạng mục nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách. Riêng hạng mục tam quan dẫn vào chùa đã bị phá trong thời kỳ kháng chiến.

          Tiền đường là hạng mục kiến trúc đầu tiên của chùa Đông Khê, gồm 5 gian 2 chái, hệ mái kiểu 1 tầng 4 góc mái đao cong chiếm 2/3 độ cao của di tích. Phía trước, tương ứng với gian giữa được bưng bởi hệ thống cửa bức bàn, hai gian chái  trổ cửa phụ dạng vòm cong. Ngưỡng cửa được tạo khá cao để mỗi khi khách hành hương qua đây đều phải dừng lại, rũ bỏ những uế tạp, giữ lấy tâm trong sáng mà cúi đầu tỏ lòng thành kính trước Tam bảo của nhà Phật.

          Vào bên trong, ứng với các gian của Tiền đường là các bộ vì chịu lực đứng trên 4 hàng chân cột. Bộ vì gian giữa và hai gian bên liên kết theo cách thức: “ Thượng kèo kẻ trụ nọc, hạ chồng rường, bảy hiên”. Nối hai đầu cột cái là câu đầu lớn trên đỡ một trụ nọc qua đấu kê, đầu kia của trụ nọc đội giao điểm bắt chéo của hai đầu kèo (kẻ) và thượng lương. Trên hai kèo (kẻ) có chia khấc theo tỉ lệ nhất định để đội các dải hoành thượng. Từ thân cột cái, một xà nách ăn mộng vào, đầu kia tì lực trên đầu cột quân rồi đỡ các con rường cụt qua các đấu vuông thót đáy. Các bảy ăn mộng vào cột quân, tì lực vào xà nách vươn ra đỡ các dải hoành và tàu mái.

          Để tạo ra bốn đao cong của mái cùng với các gian chái của Tiền đường, các nghệ nhân đã khéo léo, tài tình khi tạo sự liên kết của bốn kẻ xó (tại bốn góc) chạy thẳng qua trụ trốn của bộ vì hai gian chái rồi cắt lửng, đầu kia vươn ra đỡ âu tàu, tầu đao và lá mái uốn cong mềm mại. Có thể nói, với cách thức tạo tác và sự liên kết giữa các cấu kiện của các bộ vì Tiền đường chùa Đông Khê cho ta nhận định đây là sản phẩm của nghệ thuật thế kỉ XVIII - hiếm thấy trong các di tích của huyện Đan Phượng.

          Tòa ống muống nối gian giữa của Tiền đường và Thượng điện chùa Đông Khê được thiết kế khá tỉ mỉ. Các bộ vì của hạng mục kiến trúc này có cách thức liên kết thống nhất kiểu “Thượng giá chiêng, hạ chồng rường, bảy”. Điểm đặc biệt là nếu các con rường tại vì hạ của Tiền đường chủ yếu thiên về độ vững chãi thì tại ống muống, các con rường được chạm khắc khá công phu với đề tài mây cụm, các đấu kê chạm cánh sen mỏng. Một số con rường chạm đầu rồng cách điệu hình chim trong tư thế chuyển động. Đây là những mảng chạm có giá trị về nghệ thuật điêu khắc mà nhờ đó các cấu kiện gỗ không chỉ có chức năng chịu lực mà qua những đề tài trang trí mà cư dân nơi đây còn muốn gửi gắm  những ước mơ, hoài vọng của mình.

          Thượng điện chùa Đông Khê được kiến thiết kiểu 1 gian 2 chái tương tự như Tiền đường. Song đáng chú ý nhất ở đây là các bảy hậu phía sau của Thượng điện, các bảy này được đỡ bởi những con sơn được chạm khắc tinh tế, theo các đề tài khác nhau như “rồng leo” và “ rồng tiên nữ”. Đề tài trang trí này rất hiếm thấy tại các di tích, đặc biệt là các ngôi chùa trên đất Đan Phượng nói riêng và Hà Nội nói chung.

          Ngoài một số cấu kiện của bộ vì các hạng mục Tam bảo chùa Đông Khê được chạm khắc tinh tế, giá trị nghệ thuật điêu khắc tại di tích còn được thể hiện thông qua hệ thống tượng tròn. Thứ tự các pho tượng được bài trí trên phật điện như sau: ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam Thế trong tư thế ngồi thiền bán kiết già trên đài sen, tiếp đến là ba pho tượng Quan Âm được tạo tác giống nhau về hình thức và số đo.

Hàng thứ ba là lớp tượng Adiđà có phong cách nghệ thuật thế kỉ XVIII, dưới là tượng Di Lặc bên trái, Tuyết Sơn bên phải đối lập về hình dáng với một người to béo, một người gầy gò khổ hạnh. Hàng thứ năm là lớp tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Thị giả có niên đại nghệ thuật thế kỉ XIX, trước tượng Ngọc Hoàng là tượng Phạm Thiên và Đế Thích được tạo tác tương tự với số đo cao 105 cm, ngang vai 31 cm, ngang đùi 43 cm. Hàng tiếp theo là tượng Quan Thế Âm, hai bên là Kim Đồng và Ngọc Nữ được tạc trong tư thế quỳ dâng lễ. Lớp cuối cùng là bộ tượng Thích Ca Cửu Long, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu.

          Gian bên trái của Thượng điện có bài trí tượng Nguyên Phi Ỷ Lan – người có công cao lớn dạy dân nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa Đông Khê nổi tiếng. Tượng được tạc với hình dáng một vị Quan Âm, một tay cầm cành dương liễu, một tay để trong lòng đùi, đầu vấn khăn thiên cát, khuôn mặt hiền hậu, thoáng nụ cười cứu độ. Tượng có niên đại nghệ thuật thế kỉ XVIII. Phía trước tượng Nguyên Phi là sự hiện diện của tượng Quan Âm Nam Hải trong tư thế ngồi thiền trên đài sen với 5 lớp cánh, trên có chạm nổi các chấm tròn dạng chàng hạt – nghệ thuật thế kỉ XVII. Tượng có 10 đôi cánh tay tỏa đều bên thân, hai đôi ở giữa kết ấn chuẩn đề, đôi còn lại úp lên nhau đặt trên lòng đùi. Tượng có niên đại nghệ thuật thế kỉ XVIII. Dưới đài sen là quỷ Ô Ba Nan Đà Long Vương “gồng mình” đội tượng, được tạo tác tương tự như đầu con rồng đang vươn mình vượt sóng nước.

          Gian bên trái Thượng điện chùa Đông Khê có dựng một động tượng với tượng Quan Âm Phổ Đà Sơn ở vị trí trung tâm, xung quanh là các pho tượng nhỏ hiện thân cho các chư Phật. Phía trước là pho tượng Thần Nông được tạo tác trong tư thế một vị vua, ngồi trên long ngai.

          Hai bên ống muống bài trí tượng Thổ Địa, Giám Trai, Thập Điện Diêm Vương có kích thước tương tự nhau. Đây là các pho tượng có niên đại nghệ thuật thế kỉ XIX. Đặc biệt, ở bên phải ống muống, tiếp giáp với tiền đường chùa Đông Khê có bài trí tượng đức Khổng Tử - một nhân vật lịch sử điển hình của Nho Giáo.

 Lại nói, ở làng Đông Khê trước đây có ngôi đền Thanh Khê, còn gọi là đền Thiện hay đền Tam Giáo thờ bách thần: Khổng Tử, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh, thần Văn Xương … Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đền bị thực dân Pháp ném bom phá hủy song nhân dân vẫn giữ gìn và bảo lưu khá nguyên vẹn hệ thống di vật (hiện đang được bảo lưu tại đình Đông Khê). Qua đây, để thấy tại chùa Đông Khê cũng có sự hiện diện của tượng Khổng Tử - một minh chứng về sự ảnh hưởng Nho giáo, cũng như sự dung hội Phật giáo, Nho Giáo và tín ngưỡng thờ thờ cúng của nhân dân nơi đây.

Trở lại với việc bài trí các pho tượng tại chùa Đông Khê, trên các ban thờ tại tiền đường còn bài trí tượng Đức Ông, Thánh Tăng, tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Hộ Pháp Trừng Ác có kích thước khá lớn. Các pho tượng này có niên đại nghệ thuật thế kỉ XIX. Ngoài ra, hai bên góc tiền đường còn có các tượng Hậu được tạc dưới hình thức một vị Quan Âm.

Bên cạnh hệ thống tượng tròn có giá trị nghệ thuật điêu khắc, chùa Đông Khê còn lưu giữ được nhiều dấu tích vật chất và nhiều di vật khác. Tiêu biểu như một số chân đá tảng tại thượng điện bằng chất liệu đá mài; bệ sen bằng chất liệu gỗ (trên bài trí lớp tượng Tam Thế và ba pho Quan Âm) có chức năng như một nhang án hoa sen với 4 lớp cánh dẹo kép, được trang trí chấm tròn giữa tâm cánh sen và các đường móc xoắn đối xứng theo phong cách nghệ thuật thế kỉ XVII; một quả chuông lớn bằng chất liệu đồng cao 103 cm, đường kính miệng 79 cm, trên có khắc nổi tên chuông “Sùng nghiêm tự chung”, bài minh văn nói việc nhân dân hưng công tu sửa chùa và niên hiệu Cảnh Thịnh (đã bị tẩy, đoán định theo phong cách đúc chuông) cửu niên; một khánh đồng có ghi tên chữ của chùa “Sùng nghiêm tự”, niên hiệu Thiệu Trị…Đây là những dấu tích vật chất có giá trị nhiều mặt, minh chứng cho thấy chùa Đông Khê là một ngôi chùa đã được nhân dân kiến tạo từ lâu đời.

Về những ngày lễ truyền thống diễn ra tại chùa Đông Khê được sư trụ trì, các già vãi và nhân dân duy trì tổ chức vào các ngày gắn với ngày lễ phật giáo như: lễ Thượng nguyên (ngày 15 tháng Giêng), lễ Phật đản (ngày 8 tháng 4 âm lịch), lễ Vu Lan (ngày 15 tháng 7 Âm lịch), lễ vào hè (ngày 1 tháng 4), lễ ra hè (ngày 1 tháng 7). Những ngày này, nhân dân đến chùa đông hơn thường lệ, sắm sửa đồ lễ chay tịnh, thắp một ném tâm hương, cầu mong sức khỏe, tiền tài.

Chùa Đông Khê là một công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng vào thế kỉ XVIII, không chỉ gắn với tín ngưỡng thờ Phật mà còn thờ đức Thần nông, đức Khổng Tử, Nguyên phi Ỷ Lan – những nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp và ảnh hưởng sâu rộng tới nhận thức của nhân dân nơi đây. Di tích này đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của tổng Phùng xưa và nhân dân Đông Khê ngày nay. Với những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa, chùa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng tại quyết định số 50/2008/BVHTTDL ngày 17 tháng 7 năm 2008.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top