Xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng có ba thôn là thôn Đông Khê, thôn Đoài Khê và thôn Đại Phùng. Cả ba thôn đều có đình, miếu (ở đây gọi là quán) và chùa nhưng chỉ có chùa Đại Phùng gọi theo tên làng. Chùa Đại Phùng có tên chữ là “Tam Giáo tự”. Đây là một ngôi chùa cổ, hiện còn văn bia thời Mạc, chuông đồng đúc năm Chính Hòa thứ 8 (1687), một khánh đá niên hiệu Gia Long thứ 14 (1915), bia hậu thời Nguyễn... Điểm đặc biệt của ngôi chùa này chính là ngay từ tên gọi đã cho thấy một cách minh bạch về quan điểm hòa đồng Tam giáo (Nho – Phật – Đạo) dù trong nội dung thờ cúng, yếu tố Phật giáo vẫn là chủ đạo. Chùa Tam giáo là một trong những nét khá đặc sắc của hệ thống chùa thời Mạc mà chùa Đại Phùng chính là một trường hợp tiêu biểu.
Đáng chú ý, chùa Đại Phùng là một ngôi chùa có quy mô to lớn so với các chùa làng trong vùng. Đây cũng là một vùng quê ở vào vị trí đắc địa - gần cạnh thị trấn Phùng, chợ Phùng và ở giải đất đai châu thổ sông Hồng mầu mỡ. Chùa Đại Phùng tọa lạc trên một khu đất rộng rãi. Ngoài các hạng mục kiến trúc chính như Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách… thì quanh chùa còn có vườn cây lưu niên, vườn hoa, cây cảnh, tạo nên một không gian yên tĩnh - không gian Thiền, khác hẳn sự ồn ào, náo nhiệt của thị trấn cách đấy khoảng dăm trăm mét.
Tam quan chùa với ba lối đi chính: không quan, giả quan, trung quan được xây kiểu hai tầng, để tầng trên treo chuông, khánh thì hạng mục này cũng không còn dấu tích kiến trúc thời Lê như niên đại khắc trên quả chuông đồng. Tuy vậy, tam quan chùa Đại Phùng vẫn còn giữ được hệ thống cột quân bằng đá xẻ to, do năm tháng thời gian mấy trăm năm đã bị những vết mòn tự nhiên.
Chùa chính được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, gồm tòa Tiền đường 7 gian, 5 hàng chân gỗ và vì nóc kiểu “chồng rường con nhị”. Kết cấu kiến trúc được người xưa làm theo phương thức bào trơn đóng bén, thiên về độ bền chắc và có không gian thoáng rộng cho Phật tử hành lễ. Tiếp đó là ba gian Thượng điện nối từ gian giữa Tiền đường vào để tạo thành bố cục mà dân gian quen gọi là kiểu “chuôi vồ”.
Đáng chú ý, ở Thượng điện chùa Đại Phùng có 5 lớp tượng: trên cùng là ba pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân, có niên đại thế kỷ XIX. Lớp thứ hai là tượng Cửu long và Thích Ca sơ sinh được tạo tác bằng chất liệu đồng. Hai bên là tượng Quan Thế Am và Đại Thế Chí (nhân dân địa phương còn gọi là hai pho Diệu Âm và Diệu Thanh). Vốn trước đây tòa Cửu Long này được đặt ở cuối, phía trước bộ tượng Ngọc Hoàng, song gần đây đã chuyển lên vị trí hiện nay. Tượng có phong cách tạo tác đầu thế kỷ XIX.
Lớp tiếp theo là tượng A Di Đà được tạo tác ngồi trên đài sen với kích thước lớn, hai bên là tượng Văn Thù (cưỡi sư tử xanh) và Phổ Hiền (cưỡi voi trắng). Lớp tiếp theo là tượng Quan Âm Nam Hải với hai tượng hầu hai bên. Tượng Quan Âm Nam Hải được tạo tác khá đặc biệt với hình tượng qủy biển đội tượng bên dưới, hai bên là nhị vị Bồ Tát, lớp thứ ba là Quan  chuẩn đề; lớp thứ tư là tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào - Bắc Đẩu và lớp thứ năm là tòa Cửu Long, có tượng Thích Ca Sơ Sinh. Đặc biệt ở Thượng điện có hai pho tượng Khổng Tử (đại diện cho đạo Nho) và Lão Tử (đại diện cho đạo Lão).
Đại Phùng là vùng đất gần kinh đô nên Phật giáo ảnh hưởng vào vùng này rất sớm. Bên vùng này, thế kỷ thứ VI đã có Pháp tổ Thiền sư về trụ trì chùa Linh Bảo tự (làng Giang Xá, Hoài Đức) và Lý Bí, 13 tuổi (sau là người dựng nước Vạn Xuân) đã là chú tiểu ở chùa này. Thế kỷ XII có thiền sư Từ Đạo Hạnh tu ở chùa Thầy (Quốc Oai). Cách đây không xa, vào thời này có Thiền sư Nguyễn Trí Bảo là cậu của danh nhân Tô Hiến Thành - người làng Hạ Mỗ. Nhiều ông hoàng, bà chúa thời Lê - Trịnh cũng về các vùng Đan Phượng, Hoài Đức hưng công tu bổ chùa chiền. Thời phong kiến, Nho học ở vùng này cũng phát triển, cả huyện có 13 vị đỗ đại khoa (tiến sĩ), làng lập văn chỉ ghi tên các vị đỗ đạt của làng, xã để nêu gương sáng cho hậu thế.
-
Tin tức mới hơn
- Tượng đài Phụ nữ Ba đảm đang 17/08/2023
- Miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn 17/08/2023
- Đình Ngũ giáp 17/08/2023
- Đình Đông Khê, xã Đan Phượng 17/08/2023
- Đình Bá Dương xã Hồng Hà 17/08/2023 Tin tức cũ hơn
- Đình Chùa Hạ Hội 18/12/2020
- Đình Vạn Xuân 18/12/2020
- Đền Văn Hiến 18/12/2020
- Danh nhân Tô Hiến Thành và đền Văn Hiến 12/04/2021
- Bà Chúa Ca trù 07/04/2021