Làng Thụy ứng, thị trấn Phùng, Hà Nội có một khu di tích lịch sử - văn hóa đình và quán đã xếp hạng. Đình tôn thờ Tích Lịch Hỏa Quang, là thần mặt trời, một tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp, cấy trồng lúa nước. Vị thần linh được dân gian nhân hóa thành hình ảnh của một ông già râu tóc bạc phơ, phúc hậu, tay cầm cây gậy trúc hiện ra từ đám mây lành ngũ sắc. Ngài bay xuống hạ giới cứu chữa bệnh cho nhân dân trong làng và cả tổng Phùng xưa. Vị thần thứ hai là Danh tướng Lữ Gia đã có công giúp dân đánh giặc cứu nước. Nhân dân ở trong tổng đều tôn thờ hai ngài làm Thành hoàng.
Hằng năm, vào tháng hai, nhân dân lại nô nức mở hội làng truyền thống. Không gian lễ hội ở đình và quán diễn ra suốt ngày và đêm. Phần hội phong phú với nhiều trò chơi, trò diễn như chơi đu, đấu vật, cờ người... Đặc sắc nhất là tục rước lợn và rước gà vào ban đêm trước khi vào hội chính.
Ngay từ giữa năm trước, dân làng họp bàn cắt cử người nuôi lợn và nuôi gà. Gia đình được nhận vinh dự ấy phải là gia đình hòa thuận, không có tang trở, được dân làng tín nhiệm. Việc nuôi lợn rất công phu, từ lúc sửa sang chuồng trại đến lúc chọn giống, chọn ngày để thả lợn vào chuồng. Từ đấy, chủ nhà và dân làng đến thăm đều phải gọi “ông lợn". Thức ăn được chọn kỹ, đảm bảo đủ chất và sạch sẽ. Thường là nấu cháo với rau sạch, không được cho ăn bèo, tạp như lợn thường. Ngày hè ông được tắm mát, mùa đông giá rét được mặc ấm bằng vải thô, thỉnh thoảng lại được chức sắc và nhân dân trong làng đến thăm hỏi. Ông lợn hay ăn, chóng lớn hình dáng đẹp là mong muốn và niềm tin của cả dân làng.
Trước ngày diễn ra lễ hội, ban khánh tiết cử ra một nhóm nghệ nhân là những người có uy tín, khéo tay để tạo tác ông lợn thành ông voi. Biến con gà thành chim phượng làm lễ vật đặt lên kiệu rước và dâng lễ Thành hoàng. Những năm vừa qua, các nghệ nhân Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Duy Huyên, Trần Bá Thuận...Lễ hội năm nay do ba nghệ nhân là Cụ Ba Tư, cụ Tý và ông Thìn làng Thụy ứng đảm nhiệm công việc theo hình thức cổ truyền.
Các nghệ nhân mổ lợn, cạo sạch lông, lấy hai lá mỡ và bộ ruột. Dùng lá thơm nhồi vào bụng lợn rồi khâu lại sao cho dáng hình ông lợn uy nghi, bệ vệ. Bốn chân uốn thẳng để đứng vững như khi lợn còn sống, nước đun sôi được tưới dần vào từng phần của lợn. Nước dội đến đâu, thịt lợn cứng dần đến đó. Khi toàn thân ông lợn đứng vững theo ý muốn là được. Để có lợn hóa “ông voi” các nghệ nhân lấy đoạn cổ hũ của lợn gắn vào đoạn mõm lợn tạo thành vòi voi cong lên. Dạ dày của lợn cắt thành hai mảnh gắn với tai lợn thành tai voi phe phẩy. Hai lá mỡ lợn dàn mỏng làm thành áo bào của ông voi. Bộ lòng lợn được cuốn ngang dọc khắp mình voi làm dây chuông. Quả chuông lủng lẳng trước ngực voi chính là quả tim của ông lợn. Đôi ngà voi trắng muốt được lấy từ hai chiếc xương sườn của lợn. Như vậy, bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng của các nghệ nhân đã biến từ ông lợn hiền lành trở thành ông voi hùng dũng, ông voi đứng trên một ván xôi to, dàn gần kín mặt bàn, dưới chân cắm nhiều bông hoa, sắc màu rực rỡ... Đó là biểu hiện của nền văn minh nông nghiệp phồn thịnh, có đủ các sản phẩm của cây trồng, vật nuôi và hoa lá làng quê.
Kiệu rước còn được trang điểm thêm tàn lọng, bát hương, đèn nến... làm tăng vẻ đẹp lộng lẫy, huyền ảo... Tám cô gái thanh tân được cử vào khiêng kiệu. Các cô gái mặc áo màu ngũ sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng; thắt lưng dây lụa đỏ, kết hoa bên cạnh sườn. Tám trai làng khỏe mạnh, trẻ trung mặc áo trắng, đầu và lưng thắt dây lụa đỏ đi hai bên, thay nhau khiêng kiệu.
Đám rước còn có kiệu rước chim phượng hoàng được làm từ con gà quen thuộc trong nhà. Khi lấy tiết gà phải dùng kim để cổ gà không có vết cắt. Lòng gà nhặt sạch để lại ba chiếc lông ở đầu và hai cánh. Các nghệ nhân dùng nẹp tre, uốn cho đầu gà vươn thẳng, hai cánh xòe ra, hai chân gà đứng vững... đem luộc cách thủy sao cho da gà vàng xuộm. Đặt con gà ngay ngắn trên mâm ngũ quả, cài vào miệng một phong thư bằng giấy đỏ, cấy thêm lá liễu tơ non... Thế là có được hình tượng chim phượng hoàng đưa thư đầy quyến rũ.
Ngày chính hội 12 tháng 2 âm lịch năm Quý Mão làng Thụy Ứng tổ chức khánh thành trùng tu, tôn tạo di tích Đình và Quán. Hội mở lớn hơn các năm trước đây. Hội rước bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều, đoàn rước theo nghi thức cổ cử hành trang trọng, hoành tráng với chín kiệu rước và hàng trăm hàng đô xuất phát từ đình Thụy làng xuống đền Thụy bãi (ngày xưa vốn là một làng, sau một số dân di cư lập trại trở thành hai làng, cách nhau 3km). Đám rước đến đầu làng Thụy bãi (xã Đồng Tháp) thì trời đã tối. Dân em đốt đèn đuốc sáng rực rỡ ra nghênh đón dân anh, đón kiệu rước ông voi và chim phượng hoàng tiến vào sân đền. Chiêng trống, nhạc lễ nổi lên rộn rã. Tâm thức đồng dân quan niệm rằng đám rước có sinh khí của ngày (dương) và đêm (âm) cùng hòa hợp.
Làng trên, làng dưới đồng lòng, thánh nhân như ý, thì sức mạnh đám rước càng nhân lên. Người rước kiệu, rước lễ hào hứng, hàng nghìn người quanh vùng nô nức đến xem mỗi lúc một đông. Đám rước vượt qua cánh đồng, lên đê sông Đáy, trở lại đình Thụy Ứng vào lúc 9 giờ tối. Từ trên đê nhìn xuống như một con rồng lửa uốn lượn. Đèn đuốc sáng rực cả một vùng. Các cụ và nhân dân hai làng cùng nhau vào đình hội tế.
Kết thúc đám rước, lễ vật được chia đều cho dân hai làng cùng thụ hưởng lộc thánh. Nhóm nghệ nhân tạo tác ông voi, chim phượng và gia đình nuôi lợn cũng được phần thưởng theo tục lệ của làng.
Lễ hội rước ông lợn thành ông voi và rước gà thành chim phượng làng Thụy Ứng thành công. Nhân dân coi đó là điềm lành, báo trước một năm mới công việc làm ăn sẽ thuận lợi, phát triển. Cảnh “phong đăng, hòa cốc” đến với mọi nhà, mọi người.
-
Tin tức mới hơn
- Lễ hội làng Đại Phùng 17/08/2023
- Tham quan tìm hiểu di tích lịch sử Miếu Châu Trần và trải nghiệm làm Diều 28/12/2023 Tin tức cũ hơn
- Tổng Gối có hội Chèo tàu 28/01/2021
- Lưu giữ và phát huy di sản Chèo tàu ở Đan Phượng 28/01/2021
- Làng diều Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội 28/01/2021
- Độc đáo hội thổi cơm thi ở Đồng Vân 28/01/2021