Hàng năm, cứ đến ngày 18 tháng Giêng âm lịch, đó là dịp sau Tết Âm lịch và Tết Trung nguyên làng Đại Phùng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của vị Thành hoàng đã che chở cho nhân dân bảo đời nay được yên ấm, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Trước cửa đình treo cao lá cờ ngũ sắc và cờ Tổ quốc, tiếng chiêng trống rộn ràng. Cảnh vật, con người náo nức đón ngày vui, các xóm ngõ trang trí bàn thờ bái vọng sẵn sàng đón đoàn rước đi qua. Đây là dịp trưng bày, phô diễn những sản vật quý của các gia đình qua một năm lao động. Như để trình báo với thần linh thành quả của dân làng. Những ban thờ, hương án, đồ gỗ quý do bàn tay thợ giỏi làm ra. Các chậu cảnh, cây thế, hoa lá đủ màu sắc của nghề chơi sinh vật cảnh. Rồi mâm ngũ quả: bưởi, chuối, cam... sản vật của “Cây nhà lá vườn” đem ra trưng lễ. Đường làng ngõ xóm đông vui, người, xe qua lại dập dìu trẩy hội. Mỗi xóm có những vẻ đẹp khác nhau.

Những năm mở hội lớn, làng Đại Phùng mời các làng trong xã như: Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì... tham gia hội đồng rước. Đoàn rước kiệu của các làng hoành tráng, cờ biển rợp trời, trống chiêng rộn rã. Nam, phụ, lão, ấu đủ các thành phần đoàn thể cùng vào hội. Đám rước lớn xuất phát từ sân đình Đại Phùng, đi qua làng Đông Khê, Đoài Khê vượt lên triền đê, vòng qua chùa Tam Giáo rồi trở về tập kết ở sân đình. Khí thế hùng dũng oai nghiêm của đoàn rước mô phỏng cảnh xuất quân lịch sử năm xưa của tướng Vũ Hùng đánh giặc rợ Cao, giành lại thanh bình cho đất nước.

Trong lễ hội đình Phùng còn có tục rước nước, đó là hiện tượng gắn với tục thờ nước của cư dân nông nghiệp, nước này thường để làm lễ tắm tượng, rửa bài vị (mộc dục thần vị), nó gắn với ước vọng truyền đời về cầu no đủ của người nông dân… Vì thế, việc rước nước là một biểu hiện cao nhất trong lễ hội ở đây. Địa điểm lấy nước cũng phải được chọn một cách kỳ công, đó là giếng Tổng gắn với nơi thờ Tích Lịch Hỏa Quang, nên trong những giờ, những lúc nhất định, thông qua thần linh mà nước được múc lên đã chứa đầy sinh lực, đó là nguôn nước tại chỗ. Còn nước lưu chuyển thì khi cần thiết sẽ lấy tại giữa dòng sông Đáy, cùng với những nghi lễ thiêng hóa như phải lấy nước bằng gáo đồng, đổ vào chóe qua chiếc khăn lọc đỏ. Tất nhiên khi lấy nước đều phải làm lễ và có bài khấn cẩn thận. Với những sự việc như vậy, nhà dân tộc học lão thành - giáo sư Từ Chi đã chỉ ra trong quan niệm xưa của nhiều cư dân trên thế giới, trong đó có người Việt thì chất liệu đồng đã mang một linh khí nhất định, còn chiếc khăn màu đỏ là màu của sinh khí, màu của sức sống… Vì thế nước được múc bằng gáo đồng, qua khăn màu đỏ thì chắc chắn nguồn nước này đã được linh hóa.

Cuộc hội quân quy mô lớn của lễ hội Đại Phùng cũng là sự biểu dương sức mạnh tổng hợp của con người và cảnh vật nơi đây. Đó là hình ảnh của “Nhân khang vật thịnh”. Lễ và hội ở đình Đại Phùng có sự hòa đồng. Trong khi ở trong đình diễn ra các tuần tế lễ trang nghiêm thành kính theo nghi thức cổ truyền, thì ở phía ngoài đình diễn ra rất nhiều trò vui náo nhiệt. Ngày xưa còn có trò: đánh đạp, tổ tôm điếm, leo cầu cần, bắt vịt... Ngày nay vẫn duy trì trò chơi thi đấu cờ người, thi thả chim bồ câu...

Lễ hội đình Đại Phùng là dịp bày tỏ lòng nhớ ơn các vị tiền nhân có công với làng với nước. Trưng bày sản vật tiêu biểu của giá trị nhân khang-vật thịnh. Đồng thời thỏa mãn sự giao lưu, sáng tạo làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng. Những năm mở hội lớn đạt tiêu chí của hội vùng.

Từ việc nghiên cứu về đình Đại Phùng cùng với những sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn với di tích của làng Đại Phùng nói riêng và tổng Đại Phùng xưa kia, chúng tôi cho rằng việc thờ thành hoàng trong ngôi đình Đại Phùng còn gắn với việc thờ và cầu nước theo tín ngưỡng xa xưa của người Việt cổ, mong đem lại cho chính cộng đồng của họ những vụ mùa no đủ, đó cũng chính là ước vọng ngàn đời của người dân Việt.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top