Các điểm đến được chuẩn hóa bài thuyết minh tại huyện Đan Phượng

1. LÀNG NGHỀ MỘC LIÊN HÀ

Liên Hà là vùng đất cổ nằm bên bờ phải sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía tây. Phía bắc giáp sông Hồng, bên kia sông  là huyện Mê Linh. Phía nam giáp xã Tân Hội, phía tây giáp xã Liên Hồng và phía đông giáp xã Liên Trung. Xưa kia, Liên Hà nằm trong địa phương có tên Kẻ Dày. Năm 1956, Nhà nước tách xã Liên Trì thành 3 xã: Liên Hà, Liên Trung, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông rồi tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình và năm 2008 là ngoại thành thủ đo Hà Nội. Diện tích 4, 16km2; số dân 7900  người xã Liên Hà gồm: Thượng thôn, Đoài, Quý. Thời Hai Bà Trưng, nhân dân dưới sự chỉ huy của nữ tướng quân Sa Lãng, hòa vào đội quân Hai Bà Trưng đánh giặc. Thời thực dân Pháp xâm lược, nhân dân biểu tình chống thuế, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngày 12/8/1945 cùng nhân dân các xã lân cận đã biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc tuyên truyền vũ trang, nâng cao thanh thế của Việt Minh tại chợ Dày. Tháng 3/1946 thành lập chhi bộ Đảng xã Hạ Trì, đội du kích kiên cường chống càn của địch vào bãi Sậy từ 1949 đến 1953. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Liên Hà đã có 58 liệt sĩ.

Liên Hà vinhh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trạm bơm Đan Hoài ngày 17/7/1962, đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm ngày 21/1/1973. Kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, Liên Hà đã có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 83 liệt sĩ, 41 thương bệnh binh. Thời kỳ đổi mới an ninh quốc phòng giữ vững tạp điều kiện kinh tế xã hội phát triển. làng nghề được công nhận năm 2001 có 25 doanh nghiệp, tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2001 là 10,8 triệu đồng.

Nếu như xã Hồng Hà nổi tiếng với nghề nấu rượu và làm đậu phụ, xã Liên Trung có nghề xẻ gỗ thì xã Liên Hà lại nổi tiếng với nghề chế biến đồ mộc dân dụng. Hiện cả xã có hàng trăm xưởng sản xuất đồ mộc lớn, nhỏ cung cấp sản phẩm giường tủ, bàn ghế… cho thị trường cả nước.

Xã Liên Hà có 3 thôn: Thượng, Đoài, Quý - cả 3 đều làm nghề, thu hút hơn 1.000 hộ tham gia. Trong đó, hơn 20 hộ đã thành lập công ty, doanh nghiệp, còn lại là các hộ sản xuất. Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này mà nhà cao tầng trong xã mọc lên san sát, tỷ phú ở xã không hiếm, nhất là lứa tuổi trẻ 30-45 tuổi. Đây là lực lượng chính trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề mộc ở Liên Hà.

Nghề mộc ở xã Liên Hà đã thu hút hầu hết lao động chính trong xã. Những người biết làm nghề, có sức khỏe thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật, người không biết làm thì vận chuyển hàng, sức khỏe yếu hơn như phụ nữ, người lớn tuổi thì đánh giấy giáp, thu gom phế liệu, mùn cưa đem bán…

Các điểm đến được chuẩn hóa bài thuyết minh tại huyện Đan Phượng - Ảnh 1

 

Sản phẩm đồ mộc dân dụng của làng nghề Liên Hà

Những năm 2010-2012 điểm công nghiệp làng nghề Liên Hà chỉ vỏn vẹn có 9,6ha nhưng đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó có khoảng 300 lao động là người ngoại tỉnh. Người làng nghề, ai cũng có việc, thu nhập cao đã cuốn hút khiến người dân không ai có thời gian cho những trò vô bổ và tệ nạn xã hội… Người dân ham làm đến quên cả nghỉ và quan trọng hơn, họ "tiết kiệm" từng mét đất cho sản xuất.

Trong khoảng 10 năm (từ 2002-2012) làng nghề của xã Liên Hà đã có bước phát triển vượt bậc, chiếm vị trí chủ đạo, nông nghiệp chỉ chiếm 7,3% trong cơ cấu kinh tế. Để hỗ trợ làng nghề, từ năm 2000, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết về phát triển kinh tế làng nghề. Năm 2007 có 266 hộ làm nghề đã chuyển ra điểm sản xuất tập trung rộng 9,6ha. Tuy đã góp phần đáng kể vào giải quyết ô nhiễm môi trường và tạo đà cho sản xuất phát triển nhưng vẫn còn khoảng 50% số hộ sản xuất trong khu dân cư chưa được bố trí mặt bằng sản xuất.

Các điểm đến được chuẩn hóa bài thuyết minh tại huyện Đan Phượng - Ảnh 2

 

Làng nghề đồ mộc thôn Thượng Thôn

Tính đến 2013, toàn xã có gần 400 hộ làm nghề, đóng góp 60% nguồn thu ngân sách của xã.

Tại thôn Thượng hiện vẫn còn thờ tổ nghề, lễ hội truyền thống làng nghề được tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm.

2. Đình Ngũ giáp

Đình nằm sát chân đê Đại Hà, cạnh ngã ba Liên Hà, có tên gọi là đình Ngũ Giáp, do 5 giáp của thôn Thượng, xã Hạ Trì, tổng Hạ Trì (nay là thôn Đoài Quý, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng) xây dựng từ lâu đời, thờ vị Thành hoàng làng là Lã phủ quân (tức Lã Gia).

Lã phủ quân Lã Gia là nhân vật nổi tiếng, đã được Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ trong kỷ nhà Triệu và được thờ tại nhiều di tích ở nước ta. Các thần phả thường chỉ nhần mạnh vào công lao của vị thần được thờ đối với địa phương và thường có yếu tố linh dị.

Ngài vốn tên hiệu là Bảo Công, là Tể tướng của nhiều đời vua nhà Triệu nước Nam Việt. Ông là người nắm chính trường nước Nam Việt những năm cuối và cuối cùng thất bại trước cuộc xâm lăng của nhà Hán. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lã Gia là Tể tướng ba đời vua Triệu, từ Văn Vương (136 - 125 TCN), Minh vương (124 - 113 TCN), Ai vương (112 TCN) tới Thuật Dương vương (112-111 TCN). Minh Vương Triệu Anh Tề đã có con lớn là Triệu Kiến Đức với một bà vợ người Việt, nhưng vì yêu Cù Hậu là người Hán nên lập con nhỏ của Cù Hậu là Hưng lên thay. Năm 113 TCN, Minh Vương chết, Hưng nối ngôi, tức là Ai Vương.Trước kia, thái hậu chưa lấy Minh Vương, đã từng thông dâm với An Quốc Thiếu Quý người Bá Lăng. Năm ấy nhà Hán thấy nước Nam Việt vua nhỏ nên sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Ai Vương và thái hậu vào chầu, như đối với các chư hầu nhà Hán, lại sai biện sĩ là bọn Gián nghị đại phu Chung Quân tuyên dụ, dũng sĩ là bọn Ngụy Thần giúp việc, vệ úy Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả. Triệu Hưng còn ít tuổi, Cù thái hậu là người Hán, Thiếu Quý đến, lại tư thông. Người nước biết, phần nhiều bất bình không theo thái hậu. Thái hậu sợ, muốn dựa uy nhà Hán, nhiều lần khuyên Triệu Hưng và các quan xin nội phụ nhà Hán, bèn nhờ sứ nhà Hán dâng thư, xin theo như các chư hầu của nhà Hán, cứ 3 năm một lần vào chầu, triệt bỏ cửa quan ở biên giới. Vua Hán bằng lòng, ban cho Ai Vương và Thừa tướng Lã Gia ấn bằng bạc và các ấn nội sử, trung úy, thái phó, còn các chức khác được tự đặt lấy. Cù thái hậu đã sửa soạn hành trang lễ vật quý giá để cùng Ai Vương vào chầu. Tể Tướng Lã Gia tuổi cao chức trọng, người trong họ làm trưởng lại đến hơn 70 người, con trai đều lấy con gái vua đời trước, con gái đều gả cho con em vua và người tôn thất, cùng thông gia với Tần Vương ở quận Thương Ngô (nhà Hán). Trong nước Nam Việt, ông được lòng dân hơn cả vua. Lã Gia nhiều lần dâng thư can Ai Vương nhưng Ai Vương không nghe. Lã Gia quyết định làm binh biến, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều muốn hại ông, nhưng thế chưa thể làm được.

Lã Gia sau đó đều bị chết trận.

Trải qua các triều đại nhà Trần, nhà Lê sơ… Lã phủ quân Lã Gia đã nhiều lần phù giúp vua tôi đánh giặc Nguyên Mông, giặc Minh nên được ban cấp  nhiều sắc phong với các mỹ tự như: Quốc Vương thiên tử; Tuấn lương cương trực Lã phủ quân…

Lã Gia được lập đền thờ tự ở nhiều nơi như Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Theo tư liệu hồi cố của nhân dân trong vùng thì ngay sau khi Lã phủ quân mất tại trang Hạ Trì, nghĩa là từ thế kỷ thứ II trước công nguyên, nhân dân đã xây dựng đền Ngũ Giáp để thờ ông. Hiện không có tư liệu thành văn minh chứng điều này. Tuy vậy, các di vật hiện còn tại di tích, nhất là các bản sắc phong có niên đại sớm như sắc Vĩnh Tộ nhị niên (1620), Dương Hòa tam niên (1637)… đã có thể khẳng định di tích ít nhất có mặt tại đây từ thời Lê. Sang đến đầu thế kỷ XIX, nhân dân địa phượng đã đóng góp tiền của xây dựng một tòa lớn, giải vũ trước nhà tiền tế của đền. Từ đó, đền trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng như chức năng của đình làng. Tên gọi đình Ngũ Giáp cũng xuất hiện sau thời gian này. Đến năm Thành Thái Tân sửu (1901) đình đã được trùng tu, sửa chữa như hiện nay.

Đình Ngũ giáp được xây theo hướng bắc, trông ra sông Hồng. Trước đây, quy hoạch kiến trúc cũ của đình chia thành hai phần: phần đền gốc hình chữ đinh, phần còn lại gồm Tiền, hai dãy nhà tả, hữu mạc, sân gạch rộng phía trước. Song hiện nay, do sự biến đổi dòng chảy của sông Hồng về phía bờ nam nên đoạn đê cũ phải lùi sâu, tiến sát kiến trúc chính của đình nên phần sân và hai dãy tả, hữu mạc phía trước đã phải dỡ đi, nhường chỗ cho đoạn đê mới chuyển vào.

Ngôi đình còn giữ được nhiều di vật quý, trong đó có 3 bộ kiệu gỗ lớn, các đầu kiệu chạm rồng, dưới các tay đòn chạm hổ phù. Các bộ khám thờ cũng chạm rồng và hoa lá cách điệu. Ngoài ra còn có tàn tán, bệ hương, bát hương, hoành phi, câu đối… Đặc biệt, đình còn giữ được số lượng sắc phong rất lớn, gồm 34 sắc, trong đó có 20 đạo sắc thời Lê, sớm nhất là sắc có niên đại Vĩnh Tộ 2 (1620), Đức Long nguyên nên (1629)…; 02 đạo sắc thời Tây Sơn và 12 đạo sắc thời Nguyễn cùng 1 bản thần phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572). Đây là một trong những di tích còn giữ được nhiều di vật quý của huyện Đan Phượng. Những di vật này là những tư liệu quý góp phần tìm hiểu nghệ thuật, điêu khắc truyền thống của dân tộc.

Cứ đến ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân làng Đoài Quý lại tưng bừng tổ lễ hội tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng đã âm phù nhiều điều tốt cho dân làng. Lễ gồm tế Thần và rước Thần. Tế Thần là các buổi cúng lễ ca ngợi công đức, dâng hiến lễ vật lên Thành hoàng. Đặc biệt ở Đoài Quý, xã Liên Hà, vật tế là một ông trâu mộng. Trước đây 5 giáp gồm có giáp nhất, giáp nhị, giáp tam, giáp tứ ở trong đê, giáp ngũ ở ngoài đê, các giáp thay nhau đảm nhiệm việc nuôi trâu, đến ngày lễ thì mang ra đình tế sống, sau đó làm cỗ mời cả làng. Có giai đoạn làng giao hơn hai mẫu ruộng cho chủ tế tạu trâu và nuôi trâu từ hoa lợi ruộng, đến lễ hội thì dùng trâu đó tế thành hoàng. Ngày nay, trâu tế Thành hoàng do toàn dân đóng góp tiền của để mua. Làng có rước kiệu quanh làng theo nghi thức truyền thống, gồm có ba kiệu là: kiệu sắc đi đầu; tiếp đến kiệu cỗ; sau cùng là kiệu giá văn. Tham gia đoàn rước có đông đảo quân chúng nhân dân. Do địa thế nằm cạnh sông Hồng nên ở rất nhiều xã của huyện Đan Phượng trong lễ hội thờ Thành hoàng đều có hội đua thuyền. Làng Đoài, xã Liên Hà vào dịp lễ mùng 2 tháng 2 âm lịch cũng có hẳn một đội thuyền phục vụ hội đua. Thuyền đua là thuyền rồng, trang trí đẹp mắt. Hội đua thuyền chính là hình thức mô phỏng lại những trận đánh xưa kia trên sông nước của quân Tể tướng Lã Gia. Ngoài ra còn có các trò vui khác như chọi gà, cờ tướng… Các trò vui đều có giải thưởng bằng tiền từ nguồn công đức thập phương.

Với những giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu, đình Ngũ Giáp đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại quyết định số 1539VH/QĐ ngày 27 tháng 12 năm 1990. Đây là một trong những địa chỉ văn hóa, kiến trúc đẹp của huyện Đan Phượng cần được tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu sâu.

3. Đền Bà Sa Lãng

Ngôi đền nằm sát chân đê, nhìn theo hướng chính bắc ra sông Hồng. Đền thờ nữ tướng quân Sa Lãng, một vị nữ tướng đã theo giúp Ha Bà Trưng đánh giặc. Xưa kia, đền thuộc xã Hạ Trì với các thôn Thượng Thôn, Trung Thôn, Hạ Thôn và Đoài Quý. Đến sau này khi tách xã thì Thượng Thôn và Đoài Quý thuộc xã Liên Hà; Trung Thôn và Hạ Thôn thuộc xã Liên Trung. Ngôi đền theo địa giới hành chính hiện nay nằm trên địa bàn xã Liên Hà, song việc thờ cúng Bà Sa Lãng thì vẫn như lệ cũ, nghĩa là vẫn do nhân dân hai xã Liên Trung và Liên Hà hiện nay đảm nhiệm. Lễ hội hàng năm vì thế vẫn không có gì thay đổi, vẫn giữ được mối đoàn kết, hài hòa vốn có từ xa xưa. Đó là một điều rất đáng trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Tương truyền nữ tướng Sa Lãng là con gái một trưởng bộ, quê tại Nam Hải. Sa Lãng còn có người anh là Hùng Lĩnh (có bản chép là Hùng Sinh). Tuổi rất trẻ, hai anh em đã nổi tiếng tài giỏi. Bấy giờ giặc Đông Hán tàn ngược, Thứ sử Tô Định càng xảo quyệt, thấy nàng Sa Lãng xinh đẹp, tài giỏi hơn người hắn đã đòi lấy Sa Lãng làm thiếp. Nhưng bị nàng và cả nhà cự tuyệt. Anh trai nàng bị gọi lên phủ đường dọa nạt. Hùng Lĩnh không nghe lời Thái thú và đã bị giết hại. Tô Định cho quân vây bắt cả nhà nàng Sa Lãng, nàng đã được một thị nữ cứu thoát. Nợ nước thù nhà chồng chất hai vai, Sa Lãng nhen nhóm trong lòng ý chí phục thù khởi nghĩa. Sa Lãng đã đi các vùng quanh từ Đan Phượng, Từ Liêm, Tiên Du và qua sông Hồng sang Yên Lạc, Bạch Hạc để chiêu binh luyện tập.

Đúng lúc đó, Hai Bà Trưng cũng đang tổ chức khởi nghĩa. Được tin này, Sa Lãng kịp thời kéo quân về với Hai Bà Trưng và là trở thành một trong những bộ tướng có nhiều công lao đánh giặc Tô Định.

Sau khi đánh tan quân giặc Đông Hán, đuổi Tô Định về nước, Hai Bà Trưng lên ngôi và ban thưởng cho các tướng lĩnh. Bà Sa Lãng được ban tước lộc và cho hưởng thực ấp tại Hạ Trì. Ở đây, Bà đã dạy dân cấy lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đóng thuyền, thả lưới đánh cá trên sông. Dưới quyền cai quản của bà, nhân dân quanh vùng luôn luôn được hưởng thái bình, đời sống ấm no, đầy ắp tiếng cười, tiếng ca, tiếng hát. Một thời gian sau, vào ngày rằm tháng Bảy trăng tròn, không ốm, không đau, tự nhiên Bà mất. Nhân dân vô cùng thương tiếc người con gái tài hoa, bèn lập đền thờ cúng, đời đời hương khói để tưởng  nhớ công ơn của bà.

Theo thần phả và những truyền thuyết trong dân gian thì ngay sau khi nữ tướng Sa Lãng mất, nhân dân đã lập đền thờ bà tại trang Hạ Trì. Lúc đầu, Bà được thờ ở ngôi đình chợ Dày phía ngoài đê sông Hồng. Song, do vị trí quá sát đê, sông Hồng hàng năm vẫn dâng nước vào mùa lũ, lại thêm việc đổi dòng theo chu kỳ khiến bờ bên này có khi bị ăn vào rất sâu. Cư dân và các công trình nhà ở, công cộng vì thế phải di dời vào sâu hơn. Đình Dày đã phải chuyển vị trí nhiều lần. Về sau, để thuận lợi và yên vị thờ cúng bà Sa Lãng, dân làng đã chuyển hẳn ngôi đình vào trong đê, lập thành ngôi đền mới để thờ Bà. Tuy nhiên, các nguồn tư liệu hiện còn tại ngôi đền không cho biết chính xác thời gian ngôi đền xuất hiện và những biến cố của sự dịch chuyển. Hiện nay, ngôi đình cũ ở chợ Dày không còn, nhân dân đã dựng tạm một tòa nhỏ để thờ bái vọng, song đến  kỳ lễ hội lớn vẫn có lễ rước kiệu rất long trọng từ đền ra ngôi đình bái vọng này.

Trải qua biến thiên của lịch sử, đền thờ bà Sa Lãng hiện nay vẫn mang dáng dấp của một di tích cổ kính với các hạng mục gồm: nghi môn, sân, tả hữu mạc. Đền thờ chính hình chữ công gồm: Đại bái, trung cung và Hậu cung.

Tại Trung cung đền còn treo bức hoành phi: “Nữ trung hào kiệt 女中豪傑” (Bậc hào kiệt trong giới nữ) để ca ngợi bà Sa Lãng.

Ở đền còn một di vật quý giá là bức phù điêu gỗ tạc hình Bà Sa Lãng và các nàng hầu, được đặt trong khám thờ của hậu cung thâm nghiêm. Phù điêu hình vuông, mỗi cạnh 1,3 mét, đặt trên bệ gỗ. Bà Sa Lãng hiển linh được nhân dân tôn vinh là Thánh mẫu. Người nghệ nhân đã dồn trí tuệ chạm hình Nữ tướng Sa Lãng rất cách điệu nhằm nâng tầm nhân vật thoát khỏi hình ảnh đời thường, trở nên thánh thiện. Nữ tướng linh thiêng hoá thành Thánh mẫu ung dung ngồi võng đào, đầu đội mũ thần võ, có hoa sen cách điệu rất hài hoà, một tay cầm viên ngọc và quạt lông, tay kia tỳ vào gối thoải mái,  nét mặt đôn hậu, tin thông, mắt nhìn xa xăm, áo choàng buông nhẹ ba lớp, mềm mại như mây vờn, sóng lượn.  Hai bên là 14 nữ nhi dáng hình thon thả, mỗi người một việc nhịp nhàng. Phía trên là hai người che tàn, hai người quạt mát. Bên phải một cô dâng nước, bên trái một cô dâng trầu, bên cạnh là hai cô dâng hoa, quả, mặt ai cũng xinh tươi, vui vẻ. Đặc biệt là cảnh hoà tấu đàn ca của phường ca nhi như ở cung đình. Bên này nhạc công đang thả hồn gảy đàn bầu, đối diện là người thổi sáo phía. Người vỗ trống cơm hoà với tiếng đàn bầu, tiếng sáo ngân lên như tiếng tơ tiếng trúc. Ở giữa có một nàng ca kỹ đang say sưa hát ca trù. Phía dưới là lư hương toả khói nhang trầm huyền ảo. Tất cả tạo thành một khung cảnh sinh động, đầm ấm như cõi tiên. Phù điêu được sơn son thếp vàng và đặt trong khám thờ hình vuông, vách trong là hình mặt trời, biểu trưng của vũ trụ. Hai bên thành khám chạm rồng chầu mặt nguyệt, phượng cắp đồ thư, rùa đội bông sen… Bức phù điêu và khám thờ là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 19.

Đền Nhà Bà hiện còn bảo lưu được 8 đạo sắc phong của các triều vua thời nhà Nguyễn: Minh Mệnh thứ 2 (1821), Thiệu trị thứ 4 (1844), Tự Đức thứ 3 (1850), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).

Trong đền còn có bức hoành phi đề 4 chữ Hán “Mỹ tục khả phong 美俗可風” (Phong tục tốt đẹp đáng làm khuôn mẫu) do vua Tự Đức ban tặng dân làng vào năm 1883 để nghi nhận làng có phong tục đẹp đáng trân trọng. Một bộ kiệu bát cống mui luyện đồ sộ có niên đại thời Nguyễn và nhiều di vật có giá trị khác.

Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Bà Sa Lãng, cũng là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp.

Lễ hội đền Bà Sa Lãng có quy mô hội vùng, là lễ hội lớn nhất của Đan Phượng hiện nay. Hội đền Sa Lãng do nhân dân hai xã Liên Hà và Liên Trung đồng tổ chức. Lễ hội diễn ra vào các ngày mùng 7, 8, 9 tháng 3 âm lịch hàng năm, hội chính là ngày mùng 8/3, cứ 5 năm lại mở hội to một lần. Lễ hội ở đền Sa Lãng bao gồm nhiều lễ nghi như Tế thần, rước nước, rước sắc, rước kiệu và các trò Nghiềm quân, bơi chải, cờ người, chọi gà… Theo cổ lệ, từ ngày 23/2 âm lịch dân làng đã bắt tay vào chuẩn bị lễ hội. Chức dịch trong xã cho mời ông truởng thợ Dày, hội đồng kỳ mục và đại diện các làng, các phe giáp… họp tại đình Dày bàn việc tổ chức lễ hội. Sau đó cử ban khánh tiết và và phân bổ cho các làng số người tham gia tế, hàng đô, nhạc lễ…

Ngày hội chính diễn ra cuộc rước lớn từ đền Sa Lãng xuống đình chợ Dày. Đám rước diễu hành trên đê sông Hồng rất đông vui. Các chức sắc trong làng xã nghênh bức phù điêu thánh mẫu từ trong khám thờ chuyển lên kiệu lớn nhất hình mui luyện, buông rèm gấm thêu kín ba mặt tầng trên của kiệu. Hai tư đô tuỳ là nữ mặc áo trắng quần đen, đầu và lưng quấn khăn đỏ khiêng kiệu. Đi bên cạnh có hai tư đô tuỳ dự phòng để khiêng thay, bốn người vác tàn, lọng che mát hai bên kiệu. Đi đầu đoàn rước là hàng cờ ngũ sắc bay phấp phới. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tù và vang động một vùng, người người đổ ra đường chật cả bờ đê. Tiếp đến là hương án trên đặt hương, hoa quả do 4 người khiêng. Theo sau kiệu là giá văn sơn son thiếp vàng lộng lẫy, do 8 người đô tuỳ đảm nhiệm. Điểm giữa các kiệu là hai hàng binh khí, bát bửu, cờ lệnh, người vác mặc áo nâu, khí thế ngất trời. Tiếp đến là kiệu võng đào chạm hình 4 con rồng đang bay lên do 8 nữ nhi khiêng. Võng là tấm gấm thêu kim tuyến lấp lánh sắc màu. Theo là kiệu mui luyện lớn, có tới 24 người, dáng hùng dũng và uy nghi. Người dự hội liên tưởng như có nữ tướng Sa Lãng lúc ngự trên kiệu, khi xuống võng đào. Cả đoàn quân hoành tráng tiến về tụ nghĩa ở Hát Môn. Đi sau kiệu lớn là các quan viên, bô lão, dân chúng nối nhau vào đám rước mỗi lúc một đông. Đoàn rước dừng lại ở trước những cổng làng, ngõ xóm có đặt bàn lễ bái vọng. Bàn bái vọng trang trí đẹp mắt với đủ hương hoa, đồ thờ, cây bông… do dân chúng chuẩn bị sẵn. Đám rước như con rồng khổng lồ, chậm bước trên đê sông Hồng uốn lượn, đi đến sẩm tối mới đến cổng đình chợ. Nhân dân nô nức thắp đèn, đốt đuốc đứng hai bên đường đón đoàn rước thành hoàng vào đình. Buổi tối có hát ca trù hầu thánh mẫu.

Điều đặc biệt ở hội đình Dày là tục rước sắc. Ngày xưa, mỗi làng xây một nhà thờ vọng thủ đặt ở giữa làng để trông giữ sắc phong của thánh. Đó là niềm vinh hạnh cho cả làng, bởi có quan niệm rằng năm ấy được hầu thánh, dân tình  làm ăn sẽ thịnh đạt hơn.

Đám rước sắc về làng, người người hồ hởi trải chiếu hoa suốt từ làng đến nhà vọng thủ. hai bên đường cắm những cây bông, cây lộc, nhiều con giống chim, cá, ếch, nhái đan bằng tre, giang nhuộm phẩm xanh, đỏ treo dọc đường đi từ cây bông này đến cây bông khác trông rất đẹp mắt. Đó là biểu hiện của sự phồn thịnh, cầu mong mưa thuận gió hào, vạn vật sinh sôi, đâm hoa kết trái. Đó cũng là nét văn hoá đặc trưng của cư dân nông nghiệp cổ truyền. Đêm về, khi nhà vọng thủ sang đèn tế lễ yên vị, mọi người như cảm thấy sự yên ổn và hi vọng sẽ làm ăn phát đạt.

Hội đền Sa Lãng từ xưa thường tổ chức diễn trò Nghiềm quân độc đáo. Chiều mùng 7 diễn ra cuộc nghiềm quân tại đình Dày. Đây chính là cuộc tổng duyệt, kiểm tra, thi tài các lực lượng tham gia lễ hội, cũng là biểu dương sức mạnh của nghĩa quân Sa Lãng lúc đương thời. Tiết mục đầu tiên là duyệt đánh trống cái. Một trống lớn do 2 người khiêng đứng giữa sân đình. Bốn thôn: Thượng Thôn, Đoài Quý, Trung Thôn, Hạ Thôn, mỗi thôn cử một người dự thi đánh trống, người vào đánh trống được ưu tiên cho thôn đăng cai lễ hội. Có một ban giám khảo chấm điểm. Người thi đánh trống mặc áo the, khăn xếp, thắt lưng đỏ, đi một vòng vào sân theo hướng “xuất Đông, nhập Tây” theo chiều ngược chiều kim đồng hồ, dõng dạc đánh ba hồi, ba tiếng trống. Không khí lễ hội trang nghiêm, chỉ nghe những tiếng trống đổ hồi giục giã. Lần lượt bốn người thi nhau đánh trống xong, ban giám khảo chấm giải, thưởng cho cơi trầu có 12 miếng cau tươi. Người nhận thưởng coi như được ân phúc lớn.

Cuộc thi duyệt trống cái mở đầu trò Nghiềm quân ở hội đền Sa Lãng. Chắc hẳn trong tâm thức người xưa muốn mô phỏng tiếng trống trận oai hùng buổi xuất quân của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi quân thù. Trò “nghiềm quân” chính là sự đan xen các lớp văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội thờ cúng vị thành hoàng của người dân Hạ Trì, gắn với khát vọng cầu mưa của cư dân nông nghiệp và tín ngưỡng thờ thần mặt trời.

 Tiếp theo là cuộc thi trống dờn. Cũng 4 đội thi, mỗi đội 10 người, 6 trống, 1 thanh la, 1 trống khẩu và 1 trống cơm. Đội trống đi hàng hai, từ trong đình ra theo chữ nhị. Đến giữa sân người dự thi lắng nghe tiếng trống khẩu, nhảy đều 1 bước sang hai bên, hướng mặt vào trong đình.

Phần thứ hai cuộc nghiềm quân là các lực lượng đô tuỳ khiêng kiệu. Một kiệu lớn mui luyện ba tầng do 24 đô tuỳ nghênh giá, 5 kiệu giá văn kiểu bát cống và 1 kiệu võng đào do 8 người đảm nhiệm. Đoàn người che tàn, vác lọng, binh khí, bát bửu… khoảng trên 200 người, ăn mặc chỉnh tề khiêng kiệu từ sân đình lên mặt đê rồi trở xuống đặt đúng vị trí trước sân đình. Buổi tối có  hát ca trù hầu thánh ở đình Dày và trước đền nhưng tuyệt đối không được hát chèo ở trước cửa đền và đình. Nếu có thì diễn ở phía sau hoặc bên ngoài, vì dân gian quan niệm như thế mới đảm bảo tính nghiêm túc trong những ngày hội.

Lễ hội đền Sa Lãng năm nào cũng có hội bơi chải. Khúc sông Hồng trước cửa đình chợ Dày là địa điểm diễn ra hội bơi thi, thu hút rất đông người xem. Trước hội, mỗi làng chuẩn bị một thuyền nan dài 6m để dự thi và một thuyền để chèn phá đội bạn, thuyền thi 6 người gồm một người lái ở phía đuôi thuyền, một người bơi chèo ở phía mũi thuyền, hai người bơi hai bên, một người đánh trống khẩu thúc giục và một người gõ thanh la vừa phất cờ đuôi nheo cổ vũ.

Người bơi là những nam, nữ thanh niên khỏe mạnh, mặc áo đồng phục của đội mình, đầu chít khăn đỏ. Nhịp điệu bơi chải hối hả theo tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng hô chỉ huy và đặc biệt là tiếng hò reo cổ vũ của bà con dân làng đứng bên bờ. Những mái chèo đẩy mạnh nước và đúng tiếng, dồn dập và mau dần khi thuyền lao tới đích. Cuộc thi diễn ra hào hứng, sôi nổi, được người xem cổ vũ rất nhiệt tình. Trên sông, từng nhóm người cổ vũ với tiếng chiêng trống, thanh la, cờ, quạt rực rỡ một góc sông. Có lẽ hấp dẫn và thu hút người xem nhất chính là hội thi bơi này. Bởi ở đó thể hiện rõ tinh thần dân tộc, sự đoàn kết cộng đồng và đặc biệt là sức mạnh tập thể tạo nên chiến thắng. Và đây cũng là dịp để người dân vui chơi giải trí, tạm gác đi những lo toan cuộc sống để thư giãn, vui với nhũng trò chơi dân dã, để cho lòng người thanh thản, tìm về với đời sống của ông cha, tìm về với cội nguồn của dân tộc.

Giải nhất trao cho thuyền về đích trước tiên và an toàn. Phần thưởng. chỉ là những hiện vật có giá trị vật chất nhỏ nhưng tiếng thơm lan truyền đội nhất, nhì… là niềm vui, là vinh hạnh cho cả làng.

Thi bơi trải hội đền Sa Lãng là tái hiện một phần cảnh trẩy quân trên thuyền của nữ tướng ngược sông Hồng theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc, cũng là sự rèn luyện sức khỏe người dân vùng sông nước để chống chọi với thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của dân làng.

Ngoài ra, hội đền Sa Lãng còn có đấu vật, đánh cờ người, thổi cơm thi trên cạn… nhưng có lẽ hội bơi trải là náo nhiệt nhất, hối hả nhất bởi nó gắn bó với sự tích vị thành hoàng và đời sống của nhân dân địa phương.

Trong lễ hội đền Sa Lãng, có thể thẩy rất nhiều tín ngưỡng khác nhau cùng đan xen và tồn tại. Đó là tín ngưỡng sung bái tự nhiên (thờ nước, Mặt trời), tín ngưỡng sùng bái các anh hùng dân tộc, tôn sùng Mẫu, thờ thành hoàng… Trong lễ hội có đua thuyền, một trong những hoạt động chính của lễ hội, đó có thể coi là hoạt động trung tâm thu hút sự tham gia và quan tâm của mọi người. Trò nghiềm quân có thể là hoạt động mô phỏng cảnh dàn quân, trẩy quân của nữ tướng khi tham gia đánh giặc, chống quân xâm lược nhà Hán. Bà Sa Lãng còn được tôn thờ như Thánh Mẫu ung dung ngồi trên võng đào, khuôn mặt hiền từ, nhân hậu… Đình Dày là nơi thờ vọng nữ tướng đuợc nhân dân tôn kính coi bà là thành hoàng, bảo trợ cho cuộc sống bình yên của dân làng.

Như vậy, có thể thấy nhiều lớp tín ngưỡng khác nhau đan cài trong một lễ hội. Đây là một hiện tượng khá phổ biến, mang đặc điểm chung của tín ngưỡng Việt Nam, đó là tính đa thần, có tính đan xen hỗn dung. Ở đền Nhà Bà có tính trội của yếu tố nữ (thờ nữ thần), sự chồng xếp các tín ngưỡng với các lớp trầm tích đan xen…

Đền Nhà Bà là di tích nằm trên vùng đất Hà Trì xưa, địa danh giàu truyền thống lịch sử và văn hoá. Nhân vật được thờ là người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Bên cạnh những giá trị lịch sử, di tích nằm trên một địa thế có không gian và cảnh quan thiên nhiên đẹp, trang nghiêm  linh thiêng. Các di vật, cổ vật ở đền là những tài sản có giá trị để khẳng định vị thế của ngôi đền trong hệ thống di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Đồng thời là nguồn tài liệu phong phú giúp tìm hiểu rõ hơn về địa danh, con người và những phong tục tập quán vùng Hạ Trì xưa kia. Lễ hội truyền thống ở đền Nhà Bà với những hoạt động phong phú, đậm chất dân gian là nguồn di sản phi vật thể quý giá vẫn đang được bảo tồn và phát huy giá trị góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Di tích đền bà Sa Lãng (đền Nhà Bà) đã được Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố tại quyết định số 43/QĐ-UB ngày 06/02/1979.

4. ĐẶC SẢN NEM PHÙNG

“Nem Phùng ăn với lá sung,

Để người tứ xứ nhớ nhung Nem Phùng”.

“Nem Phùng ăn với lá sung,

Cho người tứ xứ nhớ nhung suốt đời”.

Với những người đã từng đi qua mảnh đất anh hùng Đan Phượng và thưởng thức qua hương vị Nem Phùng được cuốn với lá sung xanh mướt chấm với 1 chút vị cay của tương ớt thì hương vị đó sẽ không bao giờ quên. Chắc chắn sẽ mua về 1 vài gói cho người thân của mình để cùng thưởng thức.

Cái tên "nem Phùng" xuất hiện trên bản đồ ẩm thực Việt Nam cách đây đã hơn  một thế kỷ.

   Những năm 1910-1913, cụ tổ ba đời của ông Bùi Ngọc Thái mở một quán cơm ở tổng Phùng. Cụ Bùi Ngọc Hạnh (quen gọi là cụ Phó Hội) đã cách tân phương thức làm nem trong dân gian, rồi đưa vào quán cơm của mình. Quán cơm cụ Phó Hội nằm ngay cạnh bến xe tổng Phùng, khiến tiếng tăm theo chân du khách bay xa. Người ta gọi đó là quán nem Gốc Bàng (vì cạnh một cây bàng lớn), nem họ Bùi, cũng gọi là nem Phùng. Sau này, nhiều gia đình ở Phùng cũng làm nem, khiến cái tên Nem Phùng trở thành phổ biến hơn cả.

Trước kia, nem đa phần dùng thịt sống để làm, nem Phùng dùng thịt, mỡ tái thái. Bì lợn luộc kỹ đem lảy bằng tay để khía ra từng sợi nhỏ một. Trộn tất cả nguyên liệu đó với thính theo một công thức đặc biệt từ gạo nếp, gạo tẻ, rang xay. Ngay cả cách rang thính cũng cầu kỳ. Rang phải bằng than củi chứ than tổ ong là mất mùi. Khi rang cũng chỉ om, lửa để nhỏ liu riu và lâu chứ không được rang bốc rồi xay bằng cối đá cho thính thật nhuyễn, thật mịn. Từ lúc ra lò đến lúc các nguyên liệu ngấu, thấm vào nhau nếu mùa nực mất 3- 4 tiếng, mùa rét mất một ngày là ăn ngon nhất.

Ngày nay, cùng với bước tiến vũ bão của thời đại thế giới phẳng, nem Phùng cũng được hiện đại hoá từng phần như chẳng ai còn lảy bì bằng tay nữa mà bằng máy dẫu rằng bì lảy máy giống sợi miến, không thể đẹp bằng cách cũ nhưng bù lại năng suất một máy bằng hai mươi người làm thủ công. Cối đá nghiền thính cũng được thay thế bằng máy xay, năng suất gấp cả trăm sức người…

Dù vậy bí quyết về cách làm, nguyên liêu, công thức vẫn không có gì thay đổi để luôn giữ được hương vị Nem Phùng truyền thống xưa. Một trong những việc khó khăn nhất vẫn phải hoàn toàn làm thủ công là việc rang thính. Đây là công đoạn phức tạp, đóng vai trò quyết định và đòi hỏi bí quyết gia truyền.

Hiện ngay ở thị trấn Phùng cùng vùng phụ cận có khoảng vài chục hộ làm nem dạng quanh năm suốt tháng hoặc đặt theo thời vụ. Tuy nhiên, hai thương hiệu nem Phùng nổi tiếng đất Phùng chính là Bà Mắm và Thái Cam. Hai địa chỉ này đều khá nổi tiếng, đặc biệt là rất gần nhau nhưng lúc nào cũng đông khách. 

Hai cửa hàng Bà Mắm và Thái Cam đều đã hành nghề từ lâu đời nhưng chất lượng nem thì ngày càng được cải tiến. Hiện nay, có khá nhiều người mở quán làm nem Phùng nhưng hầu hết đều là nem độn quá nhiều thịt mỡ chứ có ít bì, chỉ điểm vài sợi loáng tháng. Có những quán lại thái thịt và bì quá to hay làm quá mặn, quá nhiều bột thính gây cảm giác ngán khi ăn.

Tuy nhiên, khi thử nem ở hai cửa hàng này, có thể thấy sự kết hợp vừa phải giữa thịt lợn và bì cũng như bột thính và gia vị. Vì điểm nhấn của nem Phùng chính là những sợi bì dai giòn được nhuốm màu vàng của bột thính và chút hương đậm đà nên món nem ở đây có lượng bì nhiều vừa đủ, không trộn quá nhiều thịt mỡ, vì thế, khi ăn sẽ cảm nhận rõ cái “sựt sựt” của bì lợn và chút ngậy của thịt mỡ. Vị của nem không quá mặn cũng không quá nhạt, khi cuốn cùng lá sung người thích ăn mặn có thể chấm thêm chút muối tiêu chanh ớt còn không thì chỉ cần ăn kèm tương ớt cũng đã khá vừa miệng.

Nem luôn đảm bảo tươi mới, quý khách đặt hàng xong cửa hàng mới tiến hành trộn thính cùng gia vị để Nem đạt chất lượng tốt nhất.            

5. ĐÌNH ĐẠI PHÙNG

Đình Đại Phùng là một sản phẩm văn hoá kiến trúc của thời phát triển, thời đỉnh cao của “nghệ thuật đình làng”, tên đình gọi theo tên làng, nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng.

Đình Đại Phùng nằm sát bờ sông Đáy, cách sông Hồng khoảng 7 km, chiếm vị thế cao nhất của làng, mặt quay hướng Tây lệch chút ít sang Bắc. Đây là một hướng để thần yên vị luôn có trách nhiệm ban phúc cho dân. Mặt khác, trước mặt đình là dòng sông Đáy chảy từ phải qua trái (từ dương sang âm), nên trở thành dòng phúc thuỷ, thuận lợi cho cả nghề nông và thương trong quá khứ. Đồng thời với nhiều ao hồ, đã tạo cho nơi đây thành mảnh đất tụ thuỷ/phúc.

3.1.1. Về vị thần được thờ

Theo các thần tích, khởi đầu trên toàn vùng Phùng thờ Tích Lịch Hỏa Quang, về sau vị thần này được thờ chính ở Đông Khê. Song, vốn từ xưa vị trí của đình Phùng, người dân làng thờ vọng Tích Lịch Hỏa Quang. Dựa vào kết quả của điền dã,  đây là một vị thần gắn với nông nghiệp mà ý nghĩa được tích tụ vào chính tên của thần, trong đó: Quang là ánh sáng; Hỏa là lửa; Tích Lịch là sấm chớp. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Tích Lịch Hỏa Quang được đồng nhất với thần sấm chớp, cũng có thể còn đồng nhất với nguồn sinh lực của mặt trời, hội tụ những sinh lực của vũ trụ, của thế giới siêu linh để tràn về trần gian, đem hạnh phúc trường cửu cho muôn dân. Gắn với sấm chớp có nghĩa gắn với mây mưa, no đủ thuộc tư duy nông nghiệp.

Thần tích đình Đại Phùng cho biết, làng thờ một vị tướng tài, được coi như anh hùng tên là Vũ Hùng. Ngài sinh ra trong một gia đình giàu có, làm nhiều điều thiện dưới thời vua Trần Nghệ Tông. Lớn lên có tài văn võ hơn người, được triều đình trọng dụng, đem binh đóng ở làng Phùng. Ông yêu dân, bảo vệ làng xóm, được nhân dân yêu quý nên từ đây đã mở cuộc hành quân thắng giặc, được triều đình phong tước lớn. Vào ngày 18 tháng 11, ngài lâm bệnh qua đời, nhân dân ghi nhớ ơn đã lấy ngày sinh 18 tháng Giêng và ngày mất 18 tháng 11 làm lễ chính của đình.

3.1.2. Về kiến trúc của đình Đại Phùng

Các điểm đến được chuẩn hóa bài thuyết minh tại huyện Đan Phượng - Ảnh 3

 

Dựa vào dấu tích nghệ thuật hiện còn tồn tại, chúng ta có thể tin được rằng vào khoảng cuối thế kỷ XVII đình được dựng theo dạng chữ nhất, chỉ có một toà nhà lớn, mặt nền hình chữ nhật. Đình có ba gian, hai chái, hai dĩ với 6 hàng chân cột (cái, quân, hiên), không còn sàn. Bộ vì nóc của Đại đình theo kiểu “giá chiêng, chồng rường, con nhị”. Không gian mặt bằng gốc của Đại đình được bó vỉa bởi hàng đá vôi, hình thức này ngoài công năng giữ chắc nền đất của kiến trúc, thì nó như còn chức năng đánh dấu mảnh đất thánh thiện của vị thần.

Dấu vết kiến trúc cổ cho biết, khởi thủy nơi thờ Thánh được đặt tại gác lửng sau cột cái phía trong tới cột quân gian giữa tòa Đại đình. Tới thế kỷ XIX làng xây thêm Hậu cung nối từ gian giữa Đại bái vào tạo mặt bằng chữ đinh/ chuôi vồ. Cũng khoảng niên đại này, người ta dựng thêm tòa Tiền tế phía trước Đại đình (cách gần 1m). Tòa Tiền tế ít chú ý đến các mảng chạm khắc, chủ yếu là các mảng chạm vân xoắn và lá cách điệu ở đầu rường, đầu kẻ…. Nơi đây quan viên chức sắc trong làng (xưa) thường ngồi họp bàn và sửa sang chuẩn bị cho các cuộc sinh hoạt tế lễ thành hoàng làng.

3.1.3. Nghệ thuật chạm khắc

Cũng như nhiều đình của xứ Đoài, điểm nổi bật nhất của đình Phùng là nghệ thuật chạm khắc. Ở nơi đây, nghệ nhân đã thao diễn kỹ thuật một cách khá điêu luyện dưới dạng chạm bong, lộng, nổi cao… với rất nhiều đề tài và bố cục rất sống động. Đó là các biểu tượng gắn với thế lực thiêng liêng của bầu trời mang ước vọng cầu sinh khí cho mùa màng bội thu, là những linh vật ở các trạng thái tĩnh động khác nhau, vừa vui tươi và cũng vừa nghiêm chỉnh. Song, nổi lên hơn cả vẫn là hình tượng gắn với hoạt cảnh liên quan tới cuộc sống thế nhân.

Đó là những con rồng khá điển hình được chạm ở đầu bẩy, đầu kẻ, cốn, đầu dư mà người ta còn thấy ngoài ý nghĩa tôn vinh thành hoàng làng còn là biểu tượng của sự cầu mong được mùa. Có thể nghĩ, rồng là mây, đao mác trên thân là sấm chớp… tất cả hội tụ lại là vân vũ của bầu trời mang nguồn nước thiên nhiên đến cho mùa màng bội thu.

Trong điêu khắc đình Phùng hình tượng con người được thể hiện điểm xuyết vào nền của rồng và đao mác. Ngoài giám mã hay quản tượng hình tượng người được tập trung ở mặt trong gian giữa và đầu kẻ. Ngoài ra hình người còn được thể hiện ở một “cột” trang trí dưới bụng đầu dư cạnh cửa võng. Tất cả hình tượng này được qui lại dưới mấy hình thức sau:

- Đấu vật: hiện tượng đấu vật có vài ba hình đều trong hình thức đang đi vào các thế như: bắt lưng, đè người, giật khố… Cách tạo hình mang nét dân gian khá rõ trong các động tác vật và cơ thể, như: thân dài hơn, động tác có vẻ quyết liệt hơn chứ không giống hình thức mập mạp, ngộ nghĩnh như những chú bé ở các ngôi đình khác cùng thời kỳ.

- Một hình tượng khác là trai gái tình tự cũng thể hiện ở thân chiếc kẻ giữa. Đáng quan tâm là nam nữ đều mặc váy, hiện tượng này khẳng định một lối trang phục của lớp bình dânViệt từ thế kỷ XVII về trước với nam giới đóng khổ hoặc mặc váy. Từ đây chúng ta càng rõ hơn hiện tượng lễ hội với “con đĩ đánh bồng” hiện còn tồn tại.

- Hình thức tiếp theo là một người cưỡi ngựa cầm quạt, đi sau là  một người hầu đóng khố cầm lọng. Có thể thấy rõ cảnh này biểu hiện nét sinh hoạt của nhà quan. Nhìn chung những hình chạm khác đều diễn ra dưới hình thức đồng hiện thường thấy trong mỹ thuật của nước ta.

Một hoạt cảnh khác cũng ở bộ phận cốn thuộc gian này, trên cùng là một con thú (hổ  hay báo) đang cắn ngang một con cá, bên dưới thể hiện hình tượng con người dưới dạng đôi nam nữ đang ngồi tâm sự. Đối xứng với hai người này, qua đầu rồng, là hình thức một người đội mũ bì biện, tay vồng lên nắm cổ rắn, và từ trên vai phải một con thú nhỏ mang hình thức con chuột đang thò đầu góp vui với mảng chạm.

- Trên mặt cốn nách có hiện tượng người ngồi trên ngai, và một người cầm đồ lễ đến dâng, cũng liền đó là các cảnh đá cầu, cầm quạt ngồi nghỉ và chống gậy.

- Những con người trong tạo hình còn được điểm xuyết ở đầu rồng trên đầu dư, hay những hình tượng “táng mả hàm rồng” với mơ ước của người nông dân cầu được sự linh nghiệm.

- Một mảng chạm “tập thể” hình tượng con người khá độc đáo, chưa thấy có ở một ngôi đình nào, được đặt ngay dưới đầu dư thuộc cửa võng. Khối tượng này có khá nhiều hình phụ nữ thể hiện tự do với nhiều động tác khác nhau. Trên cùng của khối tượng là ba người đàn ông ngồi, tay phải vòng trước ngực, có người đang quay mặt vào phía cửa võng; lớp thứ hai bên dưới là ba người đàn ông ngồi trên ba bông sen, đang uống rượu và ngắm các cô gái đang tắm trong đầm sen;  bên cạnh đó là hình ảnh của một người ngồi, khoanh chân trên đài sen

 

Chữ Ký

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Phan Công Tính - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top