Liên Hà là vùng đất cổ nằm bên bờ phải sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía tây. Phía bắc giáp sông Hồng, bên kia sông  là huyện Mê Linh. Phía nam giáp xã Tân Hội, phía tây giáp xã Liên Hồng và phía đông giáp xã Liên Trung. Xưa kia, Liên Hà nằm trong địa phương có tên Kẻ Dày. Năm 1956, Nhà nước tách xã Liên Trì thành 3 xã: Liên Hà, Liên Trung, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông rồi tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình và năm 2008 là ngoại thành thủ đo Hà Nội. Diện tích 4, 16km2; số dân 7900  người xã Liên Hà gồm: Thượng thôn, Đoài, Quý. Thời Hai Bà Trưng, nhân dân dưới sự chỉ huy của nữ tướng quân Sa Lãng, hòa vào đội quân Hai Bà Trưng đánh giặc. Thời thực dân Pháp xâm lược, nhân dân biểu tình chống thuế, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngày 12/8/1945 cùng nhân dân các xã lân cận đã biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc tuyên truyền vũ trang, nâng cao thanh thế của Việt Minh tại chợ Dày. Tháng 3/1946 thành lập chhi bộ Đảng xã Hạ Trì, đội du kích kiên cường chống càn của địch vào bãi Sậy từ 1949 đến 1953. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Liên Hà đã có 58 liệt sĩ.

Liên Hà vinhh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trạm bơm Đan Hoài ngày 17/7/1962, đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm ngày 21/1/1973. Kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, Liên Hà đã có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 83 liệt sĩ, 41 thương bệnh binh. Thời kỳ đổi mới an ninh quốc phòng giữ vững tạp điều kiện kinh tế xã hội phát triển. làng nghề được công nhận năm 2001 có 25 doanh nghiệp, tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2001 là 10,8 triệu đồng.

Nếu như xã Hồng Hà nổi tiếng với nghề nấu rượu và làm đậu phụ, xã Liên Trung có nghề xẻ gỗ thì xã Liên Hà lại nổi tiếng với nghề chế biến đồ mộc dân dụng. Hiện cả xã có hàng trăm xưởng sản xuất đồ mộc lớn, nhỏ cung cấp sản phẩm giường tủ, bàn ghế… cho thị trường cả nước.

Xã Liên Hà có 3 thôn: Thượng, Đoài, Quý - cả 3 đều làm nghề, thu hút hơn 1.000 hộ tham gia. Trong đó, hơn 20 hộ đã thành lập công ty, doanh nghiệp, còn lại là các hộ sản xuất. Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này mà nhà cao tầng trong xã mọc lên san sát, tỷ phú ở xã không hiếm, nhất là lứa tuổi trẻ 30-45 tuổi. Đây là lực lượng chính trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề mộc ở Liên Hà.

Nghề mộc ở xã Liên Hà đã thu hút hầu hết lao động chính trong xã. Những người biết làm nghề, có sức khỏe thì vận hành máy xẻ gỗ, người có tay nghề cao phụ trách những công việc kỹ thuật, người không biết làm thì vận chuyển hàng, sức khỏe yếu hơn như phụ nữ, người lớn tuổi thì đánh giấy giáp, thu gom phế liệu, mùn cưa đem bán…

Làng nghề mộc Liên Hà - Ảnh 1

Sản phẩm đồ mộc dân dụng của làng nghề Liên Hà

Những năm 2010-2012 điểm công nghiệp làng nghề Liên Hà chỉ vỏn vẹn có 9,6ha nhưng đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó có khoảng 300 lao động là người ngoại tỉnh. Người làng nghề, ai cũng có việc, thu nhập cao đã cuốn hút khiến người dân không ai có thời gian cho những trò vô bổ và tệ nạn xã hội… Người dân ham làm đến quên cả nghỉ và quan trọng hơn, họ "tiết kiệm" từng mét đất cho sản xuất.

Trong khoảng 10 năm (từ 2002-2012) làng nghề của xã Liên Hà đã có bước phát triển vượt bậc, chiếm vị trí chủ đạo, nông nghiệp chỉ chiếm 7,3% trong cơ cấu kinh tế. Để hỗ trợ làng nghề, từ năm 2000, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết về phát triển kinh tế làng nghề. Năm 2007 có 266 hộ làm nghề đã chuyển ra điểm sản xuất tập trung rộng 9,6ha. Tuy đã góp phần đáng kể vào giải quyết ô nhiễm môi trường và tạo đà cho sản xuất phát triển nhưng vẫn còn khoảng 50% số hộ sản xuất trong khu dân cư chưa được bố trí mặt bằng sản xuất.

Làng nghề mộc Liên Hà - Ảnh 2

Làng nghề đồ mộc thôn Thượng Thôn

Tính đến 2013, toàn xã có gần 400 hộ làm nghề, đóng góp 60% nguồn thu ngân sách của xã.

Tại thôn Thượng hiện vẫn còn thờ tổ nghề, lễ hội truyền thống làng nghề được tổ chức vào ngày 12/2 âm lịch hàng năm.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ DU LỊCH ĐAN PHƯỢNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Lâm - Huyện ủy viên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin

Điện thoại: 02433886331

Qrcode

Top